Kế hoạch cứu trợ đồng euro mà Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) tại Brussels, Bỉ đưa ra gần đây đã gây ra những tranh cãi gay gắt giữa giới phân tích kinh tế Đức với các chính trị gia nước này.
Giáo sư, Tiến sĩ Hans-Werner Sinn,Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo tại Munich với khoảng 170 nhà kinh tế học khác đã công khai kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel và người dân Đức ngăn chặn liên minh ngân hàng đã được thúc đẩy tại Hội nghị Thượng đỉnh EU.
Các nhà kinh tế trên cho rằng tại Hội nghị Thượng đỉnh EU, việc Thủ tướng Merkel đồng ý với Hiệp ước tài chính châu Âu và dự luật về Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) là vì "bị bắt buộc", đồng thời cảnh báo rằng đây là quyết định sai lầm và kế hoạch cứu trợ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đe dọa nghiêm trọng nền kinh tế Đức. Giáo sư Sinn đã nhiều lần cho rằng một khi liên minh tiền tệ châu Âu tan vỡ thì Ngân hàng Liên bang Đức cũng sẽ phải gánh chịu món nợ lên tới 500 tỷ euro. Họ cũng cho rằng không công bằng khi bắt những người dân ở các nước còn đứng vững ở châu Âu phải đóng thuế, cắt giảm tiền lương, và tiết kiệm để chịu trách nhiệm cho những khoản nợ của các nước khác, đồng thời kêu gọi các ngân hàng làm ăn thua lỗ nên giải thể để tránh là gánh nặng cho nền kinh tế.
Trước những lời kêu gọi trên từ các nhà kinh tế, các chính trị gia nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng euro tỏ ra khá bức xúc. Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble đã bày tỏ sự "phẫn nộ" trước những lời chỉ trích của các nhà tài chính học và cho rằng đó là một việc làm "vô trách nhiệm", gây lo ngại cho người dân. Ông cũng mạnh mẽ bác bỏ ý kiến cho rằng việc có thể mở gói cứu trợ ESM để trợ giúp hệ thống ngân hàng khiến nước Đức phải chịu trách nhiệm trước các món nợ của các ngân hàng và khẳng định: "Về cốt lõi, không phải là cộng đồng hóa trách nhiệm, mà nghị quyết đã thiết lập một sự giám sát chung đối với các ngân hàng ở châu Âu".
Trong khi đó, Thủ tướng Merkel cũng bác bỏ thông điệp phản đối trên với quan điểm rõ ràng và khẳng định việc thông qua hiệp ước của Hội nghị thượng đỉnh ở Brussels sẽ "không làm thay đổi" nước Đức.
Với Hiệp ước tài chính châu Âu, 25/27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), trừ Anh và CH Séc, tham gia ký kết đã cam kết siết chặt kỷ luật ngân sách và ngăn chặn thâm hụt ngân sách quá mức cho phép (3%). ESM, trị giá 500 tỷ euro, bắt đầu hoạt động từ tháng Bảy và sẽ cấp viện trợ cho những nước thành viên thuộc Eurozone đang ngập trong nợ nần, đồng thời có thể bơm tiền trực tiếp cho những ngân hàng thiếu vốn trong liên minh tiền tệ này.
TTXVN/Tin tức