Italy với nhiệm vụ 'phá băng' quan hệ EU – Nga

Tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ngày 24/10 đã tới thăm Nga để hội đàm với  Tổng thống Vladimir Putin.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte thăm Nga. Ảnh: sputniknews.com

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước thời gian gần đây chứng kiến những tiến triển khá tích cực, ngược với xu hướng bất đồng và rạn nứt chưa thể hàn gắn giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU).

Italy hiện giữ vai trò là một trong những đối tác hàng đầu của Nga tại châu Âu trên cả phương diện chính trị và kinh tế - thương mại. Về chính trị, Italy nổi lên là một trong số ít nước thành viên EU có những phát biểu “dễ chịu” nhất liên quan đến Nga, thậm chí có thể nói là “thân Nga” trong bối cảnh căng thẳng giữa Moskva và phương Tây ngày càng gia tăng. Ngay sau khi nhậm chức Thủ tướng, ông Giuseppe Conte cùng một số quan chức trong nội các đã đưa ra nhiều tuyên bố được đánh giá hết sức tích cực về Nga. Đó là việc ông Conte trước Thượng viện Italy đề cập “khả năng xem xét lại chính sách trừng phạt nhằm vào Nga”, trong khi Phó Thủ tướng Matteo Salvini cho rằng sự lo ngại của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xung quanh điều gọi là “mối đe dọa Nga” chỉ là “tưởng tượng”. 

Ngay trước thềm chuyến thăm, tân Thủ tướng Italy đã kêu gọi khôi phục lại định dạng G8 (Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới G7 và Nga) bởi “có nhiều vấn đề quốc tế đòi hỏi phải có sự thảo luận và bàn bạc với Nga”, rằng cấm vận không nên tác động đến xã hội dân sự và doanh nghiệp nhỏ. Ông cũng không ngần ngại đề xuất với các đồng nghiệp trong EU và G7 về việc khôi phục một phần hoạt động của Nga tại Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD). 

Ngoại trưởng Italy Enzo Milanesi đã hối thúc khắc phục tình hình hiện tại trong quan hệ của châu Âu với Nga và khôi phục tất cả các cơ chế quan hệ với Moskva, đồng thời thông báo nước này đã mời Tổng thống Putin đến thành phố Palermo dự Hội nghị về vấn đề Libya, dự kiến khai mạc vào ngày 12/11 tới. Ông Milanesi cũng cho rằng “các biện pháp cấm vận của EU là vô nghĩa”, khiến các doanh nghiệp Italy thiệt hại hàng tỷ euro, rằng câu chuyện về sự can thiệp của Nga vào bầu cử xem ra khá “khôi hài”. Rõ ràng Italy đang thể hiện là nước đi đầu trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga, và đây cũng là ưu tiên đối ngoại của chính phủ tân Thủ tướng Conte, người mới nhậm chức ngày 1/6 vừa qua. 

Về kinh tế - thương mại, Italy trong nhiều năm qua liên tục nằm trong nhóm 10 nước đứng đầu về tổng kim ngạch ngoại thương với Nga. Trong 6 tháng đầu năm nay, trao đổi thương mại song phương đạt hơn 12,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2017, tổng xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Nga và Italy đạt gần 24 tỷ USD (tăng đến hơn 21%). Vai trò của Italy trong việc “tiếp sức” cho Nga duy trì thị phần trên thị trường năng lượng EU cũng khá rõ ràng, khi các công ty dầu khí Italy tích cực tham gia những dự án của tập đoàn Gazprom (Nga). Có thể nói, cùng với các đầu tàu trong EU (như Đức, Hà Lan, Pháp), Italy đã góp phần không nhỏ giúp cho kinh tế Nga trụ vững trước làn sóng bao vây, cấm vận của Mỹ và đồng minh, trong đó có cả EU. Chỉ tính riêng tổng trao đổi thương mại của Nga với 4 nước này năm ngoái đã đạt hơn 130 tỷ USD, chiếm đến gần 1/4 tổng kim ngạch ngoại thương của Nga với tất cả các nước còn lại trên thế giới. 

Những con số “biết nói” ở trên là rất đáng khích lệ, trong bối cảnh quan hệ Nga – EU đang ở trong giai đoạn được đánh giá là khủng hoảng, bắt nguồn từ cuộc xung đột bùng phát ở Ukraine từ cuối năm 2013. Hai bên thường xuyên chỉ trích các hành động của nhau, không ủng hộ các sáng kiến mà đối tác đưa ra, thậm chí tìm cách chống lại nhau hoặc hạ thấp uy tín của nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế. Bên cạnh cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và vấn đề Crimea (Crưm) được coi như “vết thương đang rỉ máu” trong quan hệ Nga và EU, hai bên còn đang bất đồng hoặc “nghi ngờ chiến lược” về nhiều vấn đề khác, trong đó có cuộc khủng hoảng tại Syria, việc Nga mở rộng Liên minh Kinh tế Á – Âu, các dự án năng lượng của Nga tại thị trường châu Âu, chương trình “Đối tác phương Đông” của EU… Tác động do căng thẳng quan hệ và các biện pháp trừng phạt lẫn nhau giữa hai bên, ngoài những con số có thể đo đếm được như nền kinh tế EU thiệt hại hơn 100 tỷ USD kể từ năm 2014  (mỗi tháng thiệt hại 3,2 tỷ USD) hay nền kinh tế Nga mất khoảng 55 tỷ USD, kéo chậm sự phát triển, khiến hàng loạt lĩnh vực hợp tác song phương bị đình trệ, còn là những ảnh hưởng chưa thể lường hết về an ninh và ổn định

Đứng trước thực trạng quan hệ song phương và đa phương “vui buồn lẫn lộn”, chuyến đi của ông Giuseppe Conte hẳn sẽ hướng đến hai mục tiêu: duy trì và củng cố quan hệ với Nga, nhất là lĩnh vực kinh tế - thương mại, đồng thời tìm cách đưa quan hệ EU – Nga thoát khỏi tình trạng băng giá hiện nay. 

Cuộc gặp đầu tiên kể từ sau khi nhậm chức ngày 1/6 vừa qua của tân Thủ tướng Italy với Tổng thống Nga Vladimir Putin  và Thủ tướng Dmitry Medvedev để bàn về việc phát triển quan hệ song phương được đánh giá sẽ thuận lợi. Dự kiến hai bên sẽ ký nhiều văn kiện hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư – văn hóa. Bản thân ông Giuseppe Conte ủng hộ hợp tác với Nga, ít nhất là trong khuôn khổ nguyên tắc “hợp tác có chọn lọc” mà Ủy viên cấp cao EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Federica Mogherini  đã đưa ra như “kim chỉ nam” cho quan hệ của liên minh 28 nước châu Âu này với Nga.

Tuy nhiên, nhiệm vụ vô cùng phức tạp của Thủ tướng Italy chính là phải tìm cách “lách qua cửa hẹp” để vừa duy trì quan hệ với Nga, vừa không làm mất lòng Mỹ và NATO, đồng thời không đi ngược lại đường lối, chủ trương chung của EU. Thực tế cho thấy, dù luôn kêu gọi xem xét lại lệnh trừng phạt chống Nga, song cuối cùng Italy vẫn bỏ phiếu nhất trí kéo dài lệnh trừng phạt này. Tương tự như vậy, vì không muốn phá vỡ sự đoàn kết trong EU và NATO, không muốn “mất lòng” các đồng minh, Italy đã quyết định trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga liên quan vụ cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh, và buộc phải chấp nhận đòn trả đũa tương ứng từ phía Moskva.

Mục đích chuyến đi là vậy, song liệu tân Thủ tướng Italy có hoàn thành hơn 50% nhiệm vụ to lớn này, nếu xét đến vai trò, tiếng nói của Rome trong EU và NATO, cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm của Italy trước “sự đồng thuận” tại các tổ chức chính trị, quân sự nói trên. Chuyến thăm của ông Giuseppe Conte nhiều khả năng sẽ không thể tạo ra một phép màu nào giúp EU và Nga sớm khôi phục quan hệ nồng ấm như giai đoạn “trăng mật” vào những năm 2000. Vẫn còn đó vô số những rào cản chưa được gỡ bỏ, những căn bệnh chưa tìm được thuốc đặc trị. Dù thiện chí của Italy là có thật, song khả năng EU dỡ bỏ trừng phạt Nga trong triển vọng ngắn hạn là không khả thi. Điều đó đòi hỏi phải có sự đồng thuận rộng rãi của các đối tác khác trong EU. Tuy nhiên, chuyến đi của ông Conte sẽ là một chỉ dấu quan trọng để các đồng minh của Italy trong EU suy nghĩ nhiều hơn về những lợi ích thiết thực mà họ có thể nhận được nếu các biện pháp trừng phạt lẫn nhau với Nga được dỡ bỏ, cũng như Nga và EU cải thiện được quan hệ.

Hồng Quân (Pv TTXVN tại Liên bang Nga)
Italy cung cấp tàu chiến Fezzan cho Libya
Italy cung cấp tàu chiến Fezzan cho Libya

Phóng viên TTXVN tại châu Phi dẫn thông báo của Hải quân Libya ngày 21/10 cho biết lực lượng bảo vệ bờ biển của nước này đã tiếp nhận tàu chiến Fezzan do Italy cung cấp để hỗ trợ nỗ lực chống lại các hoạt động bất hợp pháp ở Địa Trung Hải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN