Italy hoãn bầu cử địa phương do dịch bệnh phức tạp

Ngày 4/3, Chính phủ Italy thông báo hoãn cuộc bầu cử cấp địa phương cho tới mùa Hè trong bối cảnh diễn biến dịch COVID-19 tại nước này vẫn phức tạp.

Chú thích ảnh
Cử tri tới bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở Rome, Italy. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Một số thành phố lớn như Rome, Milan, Naples, Turin và Bologna dự kiến bầu thị trưởng vào tháng 6 tới, song tình hình dịch bệnh xấu đi sẽ gây khó khăn cho các chiến dịch tranh cử.  Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết thay vào đó, cuộc bầu cử thị trưởng tại các thành phố lớn sẽ được tổ chức trong khoảng thời gian từ 15/9-15/10.

Chính phủ cũng yêu cầu điều chỉnh lại thời gian tiến hành các cuộc bầu cử khu vực tại vùng Calabria, miền Nam Italy, vốn dự kiến  vào tháng 4 tới, và các cuộc bầu cử khác.

Italy là một trong số nước chịu ảnh hưởng tồi tệ nhất do đại dịch COVID-19 với 2.999.119 ca mắc, tương đương 5% dân số nước này, và 98.974 ca tử vong. Trong những ngày tới, giới chức Italy dự kiến ban hành các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn trong bối cảnh số ca mắc mới tăng nhanh do biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Trong khi đó, Chính phủ Pháp đang cố gắng tránh áp đặt lệnh phong tỏa thứ ba trên toàn quốc. Theo đó, chính phủ đã ban bố lệnh phong tỏa 2 ngày cuối tuần tại khu vực Pas-de-Calais, miền Nam nước này, dô số ca lây nhiễm mới tăng nhanh. Đây là khu vực thứ ba tại Pháp buộc phải siết chặt kiểm soát phòng dịch.

Theo Thủ tướng Jean Castex, với hơn 400 ca trên mỗi 100.000 người dân, tỷ lệ lây nhiễm ở  Pas-de-Calais cao gần 2 lần so với mức trung bình toàn quốc. Lệnh phong tỏa sẽ có hiệu lực từ 8h ngày 6/3 đến 18h ngày 7/3. Trong khi lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18h vẫn có hiệu lực trên cả nước.
Trước đó, khu vực Riviera và thành phố miền Bắc Dunkird của nước Pháp đã thực hiện lệnh phong tỏ vào cuối tuần. 

Kể từ tháng 1 vừa qua, chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron đã nỗ lực giảm số ca mắc mới theo từng vùng. Cho tới nay, nước Pháp đã ghi nhận 3.835.595 ca mắc COVID-19, trong đó 87.835 ca tử vong. Nhiều ý kiến cho rằng tiến độ  tiêm chủng của Pháp đang chậm hơn so với nhiều quốc gia châu Âu khác. Theo thống kê, 3,2 triệu người dân Pháp đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi đó tại Anh con số này là gần 21 triệu người. Thủ tướng Castex cho biết chính phủ đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 30 triệu người đến mùa Hè này. 

Cùng ngày, Quốc hội Đức bỏ phiếu gia hạn quy chế "Tình hình dịch bệnh phạm vi quốc gia" cho tới ngày 30/6 tới, theo đó tiếp tục trao cho Chính phủ liên bang Đức những đặc quyền xử lý các vấn đề liên quan tới đại dịch COVID-19 mà không cần phải thông qua Quốc hội.

Chú thích ảnh
 Người dân thư giãn bên dòng kênh Landwehr ở Berlin, Đức trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngày 24/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, đa số nghị sĩ Đức đã bỏ phiếu phê chuẩn dự thảo luật về tiếp tục các biện pháp chống đại dịch thêm 3 tháng, trong đó vẫn duy trì "tình hình dịch bệnh phạm vi quốc gia", vốn sẽ hết hiệu lực vào cuối tháng 3 này. Đã có 368 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Chính phủ Đức, trong khi 293 nghị sĩ bỏ phiếu chống và 3 phiếu trắng. Tuy nhiên, sự ủng hộ của các nghị sĩ dường như đã thu hẹp kể từ lần gia hạn gần đây vào giữa tháng 11/2020, khi có 422 nghị sĩ ủng hộ, 134 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và 90 nghị sĩ (hầu hết là các nghị sĩ đảng Sự lựa chọn vì nước Đức - AfD) bỏ phiếu chống. Nếu sau 3 tháng nữa, Quốc hội không tiếp tục xác nhận "tình hình dịch bệnh phạm vi quốc gia", các quy định này sẽ tự động hết hiệu lực từ ngày 1/7.

Với việc phê chuẩn nêu trên của Quốc hội, tình trạng khẩn cấp sẽ tiếp tục được gia hạn và Chính phủ liên bang sẽ có đặc quyền ban hành các sắc lệnh trực tiếp mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội, như việc hạn chế tiếp xúc, xét nghiệm và tiêm chủng. Quốc hội Đức lần đầu tiên xác nhận tình hình dịch bệnh phạm vi toàn quốc là vào tháng 3/2020 và tới tháng 11/2020 tiếp tục kéo dài tình trạng này. Tuy nhiên, dự thảo luận mới được thông qua đã có những sửa đổi so với trước đây, trong đó quy định rằng trong tương lai, việc ban bố các chế tài sẽ không chỉ dựa vào tỷ lệ mắc bệnh trung bình 7 ngày/100.000 dân, mà có thể tính đến cả các số liệu quan trọng khác, như tỷ lệ lây nhiễm R và tiến độ tiêm chủng.

Tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Chính phủ liên bang và chính quyền các bang ngày 3/3, lộ trình nới lỏng các biện pháp hạn chế đã được thông qua. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ mắc bệnh tăng trở lại, các biện pháp nghiêm ngặt có thể được áp đặt trở lại.

Tại Mỹ, thị trưởng các thành phố lớn tại bang Texas đã quyết định gia hạn quy định đeo khẩu trong trong các toàn nhà chính quyền sau khi quy định này sẽ hết hiệu lực vào tuần tới. Theo đó, thị trường các thành phố Austin, Dallas, Houston, San Antoanio và El Paso đã yêu cầu đeo khẩu trang tại các không gian trong nhà như thư viện, trụ sở cảnh sát, phòng phòng cháy chữa cháy, trung tâm hội nghị và các nhà ga. 

Những động thái này được đưa ra sau khi Thống đốc bang Texas Greg Abbott thông báo sẽ dở bỏ quy định đeo khẩu trang trên toàn bang từ ngày 10/3 tới. Cùng thời điểm này, tất cả hoạt động kinh doanh được nối lại với 100% công suất.

Thanh Hương - Mạnh Hùng (TTXVN)
Trung Quốc cấp phép ba loại thuốc Đông y điều trị COVID-19
Trung Quốc cấp phép ba loại thuốc Đông y điều trị COVID-19

Cục Quản lý Sản phẩm Y tế quốc gia Trung Quốc (NMPA) ngày 4/3 thông báo đã phê duyệt 3 sản phẩm y học cổ truyền của Trung Quốc được phép bán để điều trị bệnh COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN