Nhưng kế hoạch, nhằm đi đến việc Ukraine và Nga tuyên bố ngừng bắn và giải quyết các tranh chấp lãnh thổ dưới sự giám sát của các cơ quan quốc tế, đang đối mặt với một số trở ngại.
Theo tờ La Repubblica, ông Di Maio đã trình bày kế hoạch của mình với Tổng thư ký Guterres ở New York vào ngày 18/5, trong khi nội dung của nó cũng đã được trình bày với các nhà lãnh đạo G7 và nhóm Quint (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italy).
Nguồn tin cho hay, bốn giai đoạn của kế hoạch sẽ được thực hiện theo thứ tự, với từng bước đều kiểm tra lòng tin của các bên liên quan trước khi có thể đạt được bước tiếp theo.
Giai đoạn đầu tiên là ngừng bắn và phi quân sự hóa chiến tuyến ở miền Đông Ukraine. Sau đó, các cuộc đàm phán đa phương sẽ diễn ra, bàn về vị thế quốc tế trong tương lai của Ukraine - liệu nước này có tham gia EU hay không và hình thức trung lập của Kiev sẽ như thế nào. Thứ ba, Ukraine và Nga sẽ đàm phán một thỏa thuận về quy chế của Crimea và các Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk. Kiev khẳng định các vùng lãnh thổ này đều là của Ukraine, trong khi Crimea sáp nhập Nga vào năm 2014, và Moskva công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbass.
Giai đoạn cuối cùng, kế hoạch kêu gọi một thỏa thuận đa phương về hòa bình và an ninh ở châu Âu, tập trung vào giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, cũng như rút các lực lượng Nga khỏi lãnh thổ hiện đang được Ukraine tuyên bố chủ quyền.
Giám sát nỗ lực này sẽ là “Nhóm tạo thuận lợi quốc tế”, bao gồm các nước EU và Liên hợp quốc. La Repubblica không nêu tên tất cả các quốc gia sẽ tham gia, nhưng suy đoán rằng danh sách rút gọn có thể bao gồm Pháp, Đức, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Trung Quốc, Canada, Anh, Ba Lan và Israel.
Trong khi đó, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên ngày 19/5 rằng Moskva không hề hay biết về kế hoạch này cho đến khi “biết được sự tồn tại của nó trên các phương tiện truyền thông”. Tuy nhiên, ông Peskov nói thêm rằng “sự tham gia của bất kỳ ai có thể giúp đạt được thỏa thuận đều được hoan nghênh” và “không ai từ chối bất kỳ nỗ lực chân thành nào”.
Tuy nhiên, theo RT, cả Ukraine và một số quốc gia mà Ngoại trưởng Di Maio chia sẻ kế hoạch của mình đã chỉ ra rằng họ có thể không sẵn sàng với một thỏa thuận như vậy. Các cuộc đàm phán giữa Kiev và Moskva đã đổ vỡ và nhiều người theo phe cứng rắn trong chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố rằng họ sẽ chỉ chấp nhận “sự đầu hàng của Liên bang Nga”. Bản thân ông Zelensky đã tuyên bố rằng ông sẵn sàng đạt được một thỏa thuận, nhưng sẽ không chấp nhận việc công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga.
Chưa hết, trong khi các nhà lãnh đạo của Italy, Pháp và Đức đều đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào tháng 2 và kêu gọi đàm phán hòa bình, thì Anh lại phản đối “bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nga”.
Thủ tướng Boris Johnson đã nói với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tuần trước rằng “Ukraine sẽ giành chiến thắng, được hỗ trợ với mức hỗ trợ quân sự phòng thủ phù hợp”. Trong chuyến thăm Kiev vài ngày trước đó, ông Johnson được cho là đã nói với Tổng thống Zelensky rằng ngay cả khi nhà lãnh đạo Ukraine sẵn sàng ký một thỏa thuận với Nga, phương Tây sẽ không sẵn sàng làm điều đó.
Trong khi đó, tại Washington, chính quyền Tổng thống Biden vẫn sẵn sàng đổ vũ khí vào Ukraine. Lầu Năm góc đã gửi gần 4 tỷ USD vũ khí và đạn dược cho Ukraine kể từ tháng 2, và hiện đang thúc giục Quốc hội thông qua khoản viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá gần 40 tỷ USD.