Thỏa thuận được ký sau 18 giờ đồng hồ đàm phán giữa đại diện 3 nghiệp đoàn lớn nhất của Italy, gồm Tổng Liên đoàn lao động Italy (CGIL), Liên đoàn Công nhân Italy (CISL), Liên minh Lao động Italy (UIL) với tổ chức đại diện giới chủ doanh nghiệp Italy, gồm Liên đoàn Giới chủ công nghiệp Italy (Confindustria), Liên hiệp Các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ Italy (e Confapi). Nội dung thỏa thuận cho phép các công ty trong tất cả các lĩnh vực, thông qua việc sử dụng mạng lưới an sinh xã hội, giảm hoặc đình chỉ các hoạt động sản xuất, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe công nhân tại các địa điểm làm việc.
Bình luận về thỏa thuận mới được ký kết trên Twitter, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte viết: “Vì lợi ích của đất nước, bảo vệ sức khỏe của người lao động, Italy không dừng lại”. Các nghiệp đoàn Italy đánh giá đây là một thỏa thuận kịp thời vì ưu tiên hàng đầu là sức khỏe của công nhân.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ Italy đang nỗ lực đưa ra các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Italy đang gặp khó khăn trong tình trạng hiện nay. Dự kiến một số quy định mới đang được chính phủ cân nhắc bao gồm: nới rộng thời hạn đóng thuế đối với tất cả các doanh nghiệp, giảm hóa đơn dịch vụ của các gia đình và doanh nghiệp, thiết lập mạng lưới an sinh xã hội, thực hiện chế độ nghỉ phép đặc biệt, hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp, hỗ trợ các dịch vụ y tế, hoãn các cuộc bầu cử và thậm chí kéo dài thời hạn cho các giấy tờ xe, phương tiện giao thông.
Chính phủ Italy hiện cũng đang cân nhắc việc đưa tất các biện pháp trên vào một Sắc lệnh duy nhất hay phân bổ theo hai giai đoạn, với sắc lệnh đầu tiên sẽ được đưa ra vào thứ 7 và sắc lệnh tiếp theo sẽ được ban hành vào đầu tuần sau. Với các biện pháp mới, Chính phủ Italy đặt mục tiêu ngăn chặn nguy cơ lao dốc của tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP).