Nhiệm vụ của nhóm này là đảm bảo sự cân bằng tế nhị giữa những lo ngại về kinh tế và sức khỏe người dân.
Sau hơn 5 tuần lệnh phong tỏa được thực thi trên toàn nước Italy, đã có những dấu hiệu dịch bệnh đã qua điểm đỉnh và sắp kiểm soát được dịch bệnh. Số bệnh nhân trong các bệnh viện đã giảm dần và tỷ lệ nhiễm mới cũng giảm bớt. Ngày 14/4, Italy đã thận trọng nới lỏng phong tỏa đối với một số lĩnh vực kinh tế, như các cửa hàng bán sách và đồ văn phòng phẩm, các cửa hàng quần áo của trẻ em và các cửa hàng sửa chữa đồ điện. Trong khi đó, hiệu thuốc và các cửa hàng tạp hóa bán nhu yếu phẩm vẫn luôn được mở cửa trong thời gian lệnh phong tỏa áp dụng từ ngày 9/3.
Việc từng bước nối lại hoạt động của nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch được chính phủ nước này gọi là "Giai đoạn hai", theo đó từng bước nối lại hoạt động kinh tế trong khi tái tổ chức các nơi công cộng để bảo vệ tốt hơn, như tiếp tục yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang và găng tay ở nơi công cộng. Chính phủ dự kiến sẽ dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 3/5 tới.
Để quyết định thực hiện giai đoạn hai như thế nào, Thủ tướng Giuseppe Conte đã lập một nhóm đặc trách gồm các chuyên gia kinh tế, các lãnh đạo nghiệp đoàn, các nhà quản lý, và các chuyên gia tâm lý học, đứng đầu là ông Vittorio Colao, cựu giám đốc điều hành hãng điện thoại di động khổng lồ Vodafone. Nhóm đặc trách này phối hợp với Ủy ban Kỹ thuật và Khoa học để tư vấn cho Thủ tướng về việc này.
Tuần này, thành phố duyên hải Venice đang từng bước thận trọng trở lại cuộc sống bình thường khi một số cửa hiệu đã mở cửa và người dân bắt đầu ra ngoài. Tất cả mọi người đều đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách xã hội.
Trong khi đó, ngày 16/4, Thống đốc vùng Lombardy, nơi là tâm dịch COVID-19 của Italy, ông Attilo Fontana đã khởi động chiến dịch nhằm đưa các doanh nghiệp trở lại hoạt động. Trong một bài đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Fontana gọi đây là "đường đến tự do", kêu gọi các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội và sẵn sàng để mở cửa trở lại khi lệnh phong tỏa kết thúc.
Lombardy là vùng kinh tế sống còn, góp 1/5 GDP của Italy và là nơi có trụ sở của rất nhiều tập đoàn toàn cầu. Nhưng đây cũng là nơi ghi nhận hơn một nửa số ca tử vong vì COVID-19 tại Italy, quốc gia hiện có số ca tử vong cao thứ hai thế giới, sau Mỹ.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Italy có thể giảm 9,1% trong năm nay, mức thấp nhất trong thời bình trong gần một thế kỷ qua.