Trong một thông báo, Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi nêu rõ các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh lây lan của chính phủ đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Tuy nhiên, ông Piantedosi cho rằng lưu lượng giao thông sẽ tăng mạnh dịp Lễ Phục sinh, đặc biệt các tuyến đường cao tốc và khu vực ngoại ô, do đó, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động đi lại của người dân là quan trọng vào thời điểm này.
Thông báo nêu rõ, trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, việc áp dụng các quy định hạn chế hoạt động tự do đi lại của người dân vẫn còn hiệu lực. Theo đó, Bộ Nội vụ yêu cầu các quận chuẩn bị các kế hoạch tăng cường kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động đi lại của người dân. Bộ Nội vụ thúc đẩy các biện pháp nhằm hạn chế hoạt động đi lại trong cùng thành phố và giữa các địa điểm khác nhau, bao gồm việc di chuyển tới “ngôi nhà thứ 2” để nghỉ dưỡng.
Chính phủ Italy đang xem xét việc gia hạn lệnh phong tỏa đến ngày 3/5. Thủ tướng Italy Giuseppe Conte cho biết hiện chưa có đủ các điều kiện để mở cửa trở lại cho các hoạt động sản xuất, trước hết là vì sức khỏe của người lao động. Thủ tướng Conte khẳng định: “Việc cho phép tái khởi động các hoạt động sản xuất lúc này có nguy cơ làm gia tăng lây nhiễm dịch bệnh và phá hủy các thành quả mà Italy đã đạt được trong thời gian qua”.
Nhiều tờ báo lớn ở Italy cho biết Thủ tướng Conte sẽ thông báo quyết định trên trong ngày 10/4 hoặc 11/4, sau khi tham vấn giới khoa học và các chính quyền địa phương. Báo Corriere della Serra cho rằng Thủ tướng Conte đang chịu áp lực ngày càng lớn và sẽ cho phép một số ít các doanh nghiệp mở cửa trở lại khi lệnh phong tỏa hiện nay hết hiệu lực vào ngày 13/4 tới. Theo báo trên, các doanh nghiệp được phép hoạt động trở lại có thể là các cửa hàng sách và văn phòng phẩm, hay các công ty sản xuất đồ gỗ và máy móc nông nghiệp, do chính phủ và giới khoa học coi đây là những doanh nghiệp có tần suất tương tác ít nhất trong cộng đồng dân cư.Kể từ khi lệnh phong tỏa trên toàn quốc được ban hành ngày 12/3 vừa qua, chỉ có các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc mới được phép hoạt động tại quốc gia Địa Trung Hải này.
Trong khi đó tại Pháp, chính phủ đang cân nhắc cung cấp gói hỗ trợ vốn lên tới 20 tỷ euro (tương đương 21,7 tỷ USD) để giúp các doanh nghiệp khắc phục hậu quả do đại dịch COVID-19. Trong một phát biểu trên đài Europe 1 ngày 10/4, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết: "Chúng tôi đã quyết định lập quỹ quốc gia đặc biệt trị giá 20 tỷ euro để hỗ trợ tất cả những công ty đang cần được trợ giúp”. Khoản quỹ này sẽ nằm trong kế hoạch ngân sách mới dự kiến được gửi tới các bộ trưởng Pháp trong tuần tới.
Cũng giống như các quốc gia khác ở châu Âu, nước Pháp cũng đang nỗ lực tìm mọi cách để giảm thiệt hại về kinh tế do lệnh phong tỏa liên quan đại dịch COVID-19 – dự kiến sẽ tiếp tục được kéo dài tại nước này thêm ít nhất 2 tuần nữa, tức là đến hết tháng Tư.
Trong một diễn biến liên quan, người đứng đầu hãng sản xuất ô tô Renault - ông Jean-Dominique Senard - cho biết Renault hy vọng sẽ nhận được các khoản vay ngân hàng được nhà nước bảo lãnh trị giá từ 4 - 5 tỷ euro (khoảng 4,4 – 5,5 tỷ USD) để giúp hãng này vượt qua cuộc khủng hoảng. Ông Senard đồng thời loại trừ khả năng sẽ tái cấu trúc bộ máy hoạt động của Renault, trong đó Chính phủ Pháp nắm giữ 15% cổ phần.