Theo Bộ Y tế Israel, hiệu quả của vaccine trong phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 và các ca bệnh có triệu chứng giảm xuống còn 64% kể từ ngày 6/6. Tuy nhiên, hiệu quả ngăn chặn các ca nhập viện và bệnh nặng sau khi nhiễm virus vẫn ở mức 93%. Bộ Y tế Israel không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng trong một báo cáo công bố hồi tháng 5 vừa qua, các quan chức bộ này cho biết việc tiêm 2 liều vaccine Pfizer có hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm, nhập viện và bệnh nặng lên đến 95%.
Một người phát ngôn của Pfizer từ chối bình luận về dữ liệu mới được Israel công bố. Tuy nhiên, người phát ngôn này dẫn một kết quả nghiên cứu khác chỉ ra các kháng thể sản sinh sau khi tiêm vaccine của hãng có khả năng vô hiệu hóa tất cả các biến thể của virus được biết đến cho tới nay, trong đó có cả biến thể Delta, dù có phần yếu đi.
Hiện khoảng 60% trong tổng số 9,3 triệu dân Israel đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine của Pfizer. Chiến dịch tiêm phòng đã giúp số ca mắc mới tại quốc gia này giảm từ mức hơn 10.000 ca/ngày xuống còn khoảng chưa đến 10 ca/ngày trong tháng 6. Dựa trên kết quả này, Israel đã nới lỏng gần như mọi biện pháp giãn cách xã hội và không yêu cầu người dân đeo khẩu trang. Tuy nhiên, những ngày gần đây Israel đã áp dụng trở lại một số biện pháp hạn chế khi số ca mắc mới có dấu hiệu tăng dần. Trong khi đó, biến thể Delta bắt đầu lây lan tại Israel sau khi xuất hiện tại nhiều quốc gia và trở thành nỗi lo chính. Tại Israel, số ca mắc mới hằng ngày tăng dần và lên tới mức hơn 300 ca/ngày từ cuối tuần qua, số người bệnh nặng cũng tăng.
Nhà khoa học dữ liệu Eran Segal từ viện Khoa học Weizman của Israel cho rằng tỷ lệ nhập viện tại Israel sẽ không tăng lên mức cao như từng ghi nhận hồi đầu năm nay vì hiện nay số ca bệnh nặng đã giảm rất nhiều. Chuyên gia này cũng cho rằng các biện pháp cần được thực hiện lúc này là đẩy mạnh tiêm phòng và đảm bảo xét nghiệm đầy đủ cho những người từ nước ngoài trở về.