Israel tuyên bố có quyền ‘tự do hành động’ trong không phận Syria

Israel sẽ không chấp nhận bất kỳ giới hạn nào trong hoạt động tại không phận Syria nhằm đối phó với “mối đe dọa Iran”.

Máy bay chiến đấu F-15 của Israel. Ảnh: Reuters

Đây chính là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đưa ra ngày 16/4.

Trả lời báo Walla News, Bộ trưởng Lieberman khẳng định: “Chúng tôi sẽ bảo lưu quyền tự do hành động. Chúng tôi sẽ không chấp nhận giới hạn nào khi việc đó liên quan đến an ninh quốc phòng của chúng tôi”.

Ông đồng thời nhấn mạnh các đường dây “liên lạc” với Moskva sẽ được chú trọng để giúp tránh xảy ra “va chạm” trên không.

Bộ trưởng Lieberman cho biết: “Chúng tôi không muốn gây hấn với người Nga. Chúng tôi có đường dây liên lạc cấp tướng lĩnh cấp cao. Người Nga hiểu chúng tôi và sự thật là nhiều năm qua chúng tôi đã thành công trong việc tránh xung đột với họ”.

Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi các căn cứ quân sự của Syria bị tấn công bằng gần chục quả tên lửa không rõ nguồn gốc. Rạng sáng 17/4, một vụ tấn công bằng tên lửa đã nhằm vào căn cứ không quân Shayrat ở tỉnh Homs và căn cứ Al-Dumair ở đông bắc thủ đô Damascus.

Theo báo Al Mayadeen, 6 quả tên lửa đã phóng đến Shayrat trong khi 3 quả khác trên đường tới căn cứ Al-Dumair. Tuy nhiên, 9 quả tên lửa này đều bị hệ thống phòng không Syria bắn đánh chặn thành công. Cuộc tấn công không gây thiệt hại về mặt vật chất cũng như người thương vong.

Xem video hệ thống phòng không Syria đánh chặn tên lửa không rõ nguồn gốc sáng 17/4 (nguồn Sputnik):



Lầu Năm Góc phủ nhận việc liên quan đến cuộc tấn công vào sáng 17/4. Hãng thông tấn Nga TASS trích lời người phát ngôn của Lầu Năm Góc Eric Pahon khẳng định Mỹ không có “hoạt động quân sự tại tỉnh Homs lúc đó”.

Theo một số nguồn tin chưa xác nhận, các quả tên lửa bay vào không phận Syria có hướng xuất phát từ Lebanon. Điều này ám chỉ rất có thể Không quân Israel có thể liên quan. Tuy nhiên, người phát ngôn quân đội Israel khẳng định nước này không có thông tin về vụ tấn công.

Trước đó, vào ngày 9/4, hai chiến đấu cơ F-15 của Israel đã phóng 8 tên lửa dẫn đường xuống căn cứ không quân T-4 của Syria tại tỉnh Homs. 5 trong số 8 quả tên lửa đã bị bắn hạ trước khi rơi xuống sân bay. Vụ tấn công căn cứ T-4 xảy ra trong thời điểm các quốc gia phương Tây đồng loạt cáo buộc Chính phủ Syria và cam kết có động thái đáp trả cuộc tấn công nghi ngờ sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma ngày 7/4 khiến ít nhất 40 người thiệt mạng.

Ngày 14/4, Tổng thống Trump đã ra lệnh tấn công Syria. Anh và Pháp cũng triển khai không kích hỗ trợ Mỹ nhằm vào 3 căn cứ được cho là nơi nghiên cứu, phát triển và dự trữ vũ khí hóa học của Chính phủ Syria.

Quân đội Nga khẳng định các đơn vị phòng không của Syria đã đánh chặn thành công 71 trong tổng số 110 tên lửa mà Mỹ triển khai. Theo Bộ Quốc phòng Nga, Syria đã sử dụng hệ thống phòng không S-200, S-125, tổ hợp tên lửa phòng không BUK, Pantsir-S21, Osa để đối phó với cuộc tấn công.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức
Vụ tấn công Syria có tạo đòn bẩy cho Mỹ trong đối thoại với Triều Tiên
Vụ tấn công Syria có tạo đòn bẩy cho Mỹ trong đối thoại với Triều Tiên

Một số nhà phân tích đánh giá rằng việc Mỹ, Anh và Pháp tấn công Syria ngày 14/4 có thể tạo lợi thế cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc hội đàm lịch sử dự kiến diễn ra trong tháng 5 hoặc tháng 6 tới với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN