Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh người dân Israel đang tiến hành biểu tình hằng tuần ở Jerusalem nhằm phản đối các biện pháp của chính phủ trong việc xử lý cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế.
Theo các biện pháp phong tỏa mới, người dân không được phép tham gia các cuộc biểu tình đường phố cách nhà 1 km. Trong tuyên bố đăng trên trang mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Benny Gantz khẳng định quyết định trên nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, không phải nhằm ngăn chặn biểu tình.
Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho rằng người dân Israel đã không tuân thủ các quy định giãn cách xã hội, do đó, chính phủ buộc phải siết chặt biện pháp phong tỏa, đặc biệt trong thời gian diễn ra các kỳ nghỉ, trong đó có ngày lễ Simhat Torah của người Hồi giáo, tức ngày 10/10. Theo đó, tất cả cơ sở kinh doanh sẽ đóng cửa, ngoại trừ các nhà máy, công xưởng và các dịch vụ được xác định là thiết yếu. Các lễ cầu nguyện và sự kiện hội họp giới hạn tối đa 20 người tham gia và ở địa điểm gần nhà. Ngoài ra, sân bay quốc tế Ben Gurion sẽ tạm thời đóng cửa ga đi.
* Cùng ngày, Chính phủ Tây Ban Nha đã để ngỏ khả năng tái áp đặt một phần biện pháp phong tỏa ở thủ đô Madrid nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Tây Ban Nha là một trong những nước châu Âu chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Nước này đã áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm khắc từ tháng 3 đến tháng 5, và bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn và khu vực, sau đó dỡ bỏ hoàn toàn vào ngày 21/6. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh đã gia tăng trở lại trong những tuần gần đây. Do đó, chính quyền khu vực Madrid đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với 45 khu vực, chủ yếu là các khu vực có đông người nghèo sinh sống.
* Trong khi đó, Thụy Sĩ đã đưa các nước gồm Anh, Ireland, Đan Mạch, Bỉ, Hà Lan và Bồ Đào Nha, vùng Liguria của Italy, vùng Bretagne ở Pháp vào danh sách các nước và vùng khu vực có nguy cơ cao, theo đó, người dân đến từ những nước trên khi nhập cảnh vào Thụy Sĩ sẽ phải trải qua 10 ngày cách ly.
* Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng "lục địa Đen" đã tránh khỏi sự lây lan bệnh dịch theo cấp số nhân. Theo WHO, sự lây lan của dịch COVID-19 ở châu Phi đã được đánh dấu bằng số lượng ca nhiễm tương đối thấp hơn và đã giảm trong hai tháng qua, theo đó, kể từ ngày 20/7, châu Phi chứng kiến số ca nhiễm liên tục giảm. Trong 4 tuần qua, châu lục này chỉ ghi nhận 77.147 trường hợp mới, so với 131.647 trường hợp trong 4 tuần trước đó.
Các quốc gia ảnh hưởng nặng nề nhất châu lục, trong đó có Algeria, Cameroon, Côte d'Ivoire, Ethiopia, Ghana, Kenya, Madagascar, Nigeria, Senegal và cả Nam Phi đều ghi nhận số ca nhiễm mới mỗi tuần giảm trong 2 tháng qua. Theo WHO, kết quả này đạt được là do mật độ dân số thấp, khí hậu nóng ẩm, nhóm tuổi thấp hơn, kết hợp với những hiệu quả ngăn ngừa của cá nhân.
Đại dịch COVID-19 ở châu Phi chỉ ảnh hưởng chủ yếu đến những người trẻ tuổi, chiếm đa số trên lục địa. Khoảng 91% trường hợp mắc COVID-19 ở Nam Sahara liên quan đến những người dưới 60 tuổi và hơn 80% trường hợp không có triệu chứng.