Công cụ nói trên có tên gọi “GeNose” sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây giúp chẩn đoán COVID-19 theo thời gian thực. GeNose được cho là hiệu quả hơn các xét nghiệm PCR và chính xác hơn nhiều so với các phương pháp test nhanh. Phát biểu tại một sự kiện trực tuyến bàn giao công nghệ cho Bộ Nghiên cứu và Phát triển Indonesia, bà Dian Kesumapramudya Nurputra - một trong các nhà nghiên cứu của UGM tham gia dự án GeNose - cho hay bộ công cụ này được tạo ra nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc nối lại các hoạt động kinh tế bất chấp đại dịch COVID-19.
GeNose hoạt động bằng cách phát hiện các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi có chứa virus SARS-CoV-2 từ hơi thở của bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của nhiều cảm biến và công nghệ trí tuệ nhân tạo, bộ công cụ này có thể xác định liệu hơi thở của người này có chứa virus hay không.
Theo ông Kuwat Triyana, Trưởng nhóm nghiên cứu đến từ Khoa Toán và Khoa học của UGM (FMIPA), máy dò này đã được thử nghiệm với độ chính xác lên tới 97% trên 600 mẫu bệnh phẩm hợp lệ thu được từ Bệnh viện Bhayangkara và Bệnh viện Bambanglipuro của Yogyakarta.
Tính đến ngày 24/9, Indonesia đã ghi nhận tổng cộng 262.022 ca mắc COVID-19, trong đó có 10.105 ca tử vong. Từ đầu tuần, số ca nhiễm mới theo ngày ở quốc gia đông dân thứ tư thế giới này đã liên tiếp tăng lên mức cao nhất và thường xuyên duy trì trên 4.000 ca mỗi ngày.