Đại diện IDB cho biết nguồn vốn trên sẽ được Ngân hàng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia Brazil (BNDES) sử dụng để cấp các khoản tín dụng thông qua mạng lưới các tổ chức tài chính được công nhận nhằm khắc phục tình trạng thiếu vốn ngắn hạn cũng như các vấn đề liên quan đến thanh khoản tạm thời, đồng thời duy trì các hoạt động cấp vốn. Ngoài ra, khoản hỗ trợ trên cũng được dành để thúc đẩy việc thu hồi vốn đầu tư sản xuất và mua lại máy móc, thiết bị, phương tiện, hàng hóa và dịch vụ phục vụ sản xuất.
Theo một cuộc khảo sát gần đây về tác động của COVID-19 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Brazil, 88,9% doanh nghiệp tham gia khảo sát báo cáo thu nhập giảm sút. Bên cạnh đó, 58,9% số doanh nghiệp cho biết hoạt động tạm thời gián đoạn và khoảng 68,1% cần thêm nguồn tài chính để duy trì hoạt động mà không phải cắt giảm số nhân viên.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Brazil đưa ra dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong năm nay sẽ giảm 5% so với mức dự báo giảm 6,4% được đưa ra vào tháng 7 trước đó.
Trong Báo cáo Lạm phát Quý II/2020, Ngân hàng Trung ương Brazil cho biết đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm của quốc gia này dựa trên triển vọng mang tính "thuận lợi hơn" cho quý III/2020. Báo cáo nhấn mạnh các hoạt động kinh tế ở Brazil đã "phục hồi một phần" sau nhiều tháng tê liệt do tác động từ cuộc khủng hoảng COVID-19 và nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh đang phục hồi ở mức "tương đối nhanh hơn so với các nền kinh tế mới nổi khác".
Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Brazil thừa nhận sự không chắc chắn về tốc độ phục hồi của nền kinh tế trong 3 tháng cuối năm do chính phủ nước này đang lên kế hoạch kết thúc các gói viện trợ kinh tế chống dịch COVID-19 cho hàng triệu người dân và doanh nghiệp Brazil. Ngoài ra, ngân hàng này dự báo mức lạm phát của Brazil tăng từ 1,9% lên 2,1% trong năm nay.
Trong năm 2021, Ngân hàng Trung ương dự báo GDP của Brazil sẽ tăng 3,9%, với điều kiện chính phủ đảm bảo tiếp tục các cải cách kinh tế cũng như duy trì cân bằng tài chính công. Lạm phát trong năm 2021 sẽ ở mức 3%, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ Brazil đề ra là 3,75%.
Trong khi đó, Ủy ban Xúc tiến Xuất khẩu và Du lịch Peru (Promperu) thuộc Bộ Ngoại thương Peru dự báo kim ngạch xuất khẩu của nước này trong quý III năm nay dự kiến đạt 9,930 tỷ USD, bất chấp tình hình dịch COVID-19 gây tác động nặng nề tới nền kinh tế.
Phát biểu với báo giới, người đứng đầu Cục xúc tiến xuất khẩu của Promperu, ông Mario Ocharan cho biết, trong quý III năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu nước Nam Mỹ này dự kiến đạt 9,930 tỷ USD, tương đương với mức tăng 51,84% so với giá trị ghi nhận giữa tháng 4 và tháng 6 vừa qua, giai đoạn hoạt động xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch COVID-19.
Quan chức Bộ Ngoại thương Peru cũng cho biết thêm, trong quý II, xuất khẩu các mặt hàng phi truyền thống (có giá trị gia tăng) dự kiến đạt hơn 2,9 tỷ USD, trong khi các sản phẩm xuất khẩu truyền thống sẽ đạt giá trị hơn 7 tỷ USD. Tương tự, ông Ocharan cũng cho biết Promperu dự kiến trong quý cuối của năm 2020, giá trị xuất khẩu quốc gia vùng Andes sẽ tiếp tục đà tăng trưởng, đạt mức 10,189 tỷ USD. Ông Ocharan khẳng định hiện tại dây chuyền sản xuất phục vụ xuất khẩu của Peru đang hoạt động với công suất 90% trong bối cảnh đại dịch.
Peru nằm trong nhóm các nước khu vực và thế giới chịu hậu quả nặng bởi đại dịch COVID-19. Theo thống kê cập nhật, đến nay quốc gia Nam Mỹ này đã ghi nhận 31.870 người tử vong trong tổng số 782.695 ca mắc bệnh.