Quân đội Israel xác nhận về cuộc không kích nhằm vào Rafah và cho biết động thái này nhắm mục tiêu vào một cơ sở của Hamas, nơi có các thành viên cấp cao.
Trong khi đó, người phát ngôn của Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Palestine (PRCS) tuyên bố số người chết có thể sẽ tăng lên khi công tác tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục ở khu Tal al-Sultan của Rafah, cách trung tâm thành phố khoảng 2km về phía Tây Bắc.
PRCS khẳng định rằng địa điểm này đã được Israel chỉ định là “khu vực nhân đạo” và không nằm trong các khu vực mà quân đội Israel đã ra lệnh sơ tán hồi đầu tháng.
Cuộc tấn công diễn ra vài giờ sau khi còi báo động vang lên ở Tel Aviv và khắp miền Trung Israel lần đầu tiên kể từ tháng 1. Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) cho biết một loạt 8 quả rocket được bắn từ khu vực Rafah.
Hệ thống phòng không của Israel đã chặn hầu hết các rocket. Một số chuyến bay tại sân bay Ben Gurion đã bị hoãn hoặc hủy.
Lữ đoàn al-Qassam - cánh vũ trang của Hamas - tuyên bố trên Telegram rằng lực lượng này đã tiến hành vụ tấn công và các rocket được phóng để đáp trả “cuộc thảm sát” nhằm vào người dân thường.
Sau vụ việc, thành viên Nội các chiến tranh của Israel, ông Benny Gantz khẳng định: “Cuộc tấn công hôm nay từ Rafah là bằng chứng cho thấy IDF phải hành động ở bất cứ nơi nào Hamas hiện diện”.
Dưới đây là video về công tác cứu hộ tại Rafah sau vụ không kích của Israel hôm 26/5 (nguồn: Reuters):
Gần 9 tháng kể từ khi xung đột Israel –Hamas bùng phát, Rafah là địa điểm duy nhất của Dải Gaza chưa phải đối mặt với giao tranh trên bộ. Hơn một nửa trong số 2,3 triệu dân của Gaza đã đến Rafah để trú ẩn.
Israel đã nhiều lần tuyên bố rằng một chiến dịch trên bộ ở Rafah, nơi Tel Aviv cho rằng có lãnh đạo của Hamas và con tin, là cần thiết để đạt được “chiến thắng toàn diện” trước lực lượng này. Khoảng 1 triệu người đã buộc phải sơ tán kể từ khi Israel bắt đầu di chuyển vào rìa phía Nam và phía Đông của thành phố hồi đầu tháng 5. Việc vận chuyển hàng viện trợ đã đình trệ do cửa khẩu biên giới Rafah và Kerem Shalom gần đó, bị phong tỏa do giao tranh ác liệt.
Trước đó, ngày 24/5, Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) đã ra phán quyết yêu cầu Israel tạm dừng các hoạt động quân sự ở Rafah. Israel cùng ngày đã bác bỏ phán quyết này.