Quyết định trên được đưa ra tại cuộc họp Nội các của Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Trên mạng xã hội X sau cuộc bỏ phiếu của Nội các về việc trên, Thủ tướng Netanyahu thông báo: "Kênh Al Jazeera sẽ bị đóng cửa tại Israel".
Trong một thông báo, Chính phủ Israel cho biết Bộ trưởng Bộ Truyền thông nước này đã ký sắc lệnh yêu cầu thực thi ngay lập tức việc chấm dứt mọi hoạt động của Al Jazeera tại Israel. Theo đó, biện pháp này yêu cầu đóng cửa toàn bộ văn phòng đại diện của kênh tại Israel, tịch thu thiết bị phát sóng, cắt kênh ra khỏi danh sách phát sóng của các công ty truyền hình cáp và vệ tinh cũng như chặn các trang web của Al Jazeera. Là kênh được Chính phủ Qatar tài trợ, Al Jazeera đưa tin về khu vực.
Hồi tháng trước, Quốc hội Israel đã thông qua luật cho phép tạm thời đóng cửa văn phòng đại diện của các đài truyền hình nước ngoài ở Israel được cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Luật này cho phép Thủ tướng Netanyahu và Nội các an ninh Israel đóng cửa văn phòng đại diện của Al Jazeera tại Israel trong vòng 45 ngày. Khoảng thời gian này có thể được gia hạn và có thể có hiệu lực cho đến cuối tháng 7 hoặc cho đến khi kết thúc các hoạt động quân sự quy mô lớn ở Dải Gaza.
Al Jazeera đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng việc đưa tin của kênh gây tổn hại đến an ninh quốc gia của Israel. Phản ứng sau động thái của Chính phủ Israel, trưởng văn phòng đại diện của Al Jazeera tại Israel cho rằng quyết định trên mang tính chính trị và gây phương hại đến hoạt động đưa tin của cơ quan báo chí này. Cũng theo người đứng đầu này, một nhóm chuyên phụ trách vấn đề pháp lý của Al Jazeera đang chuẩn bị hành động pháp lý và có thể sẽ nộp đơn kháng cáo lên tòa.
Trong khi đó, cùng ngày, Thư ký báo chí của Nhà Trắng, bà Karine Jean-Pierre cho biết Mỹ quan ngại về bước đi nói trên của Israel.
Israel đưa ra quyết định trên trong bối cảnh Chính quyền Qatar đang đóng vai trò trung gian hòa giải nhằm đạt được một thỏa thuận ngừng bắn mới ở Gaza. Hôm 4/5, một quan chức Chính phủ Qatar cho biết quốc gia vùng Vịnh này đang cân nhắc xem có tiếp tục cho phép văn phòng của Hamas tiếp tục hoạt động tại nước này hay không, và có nên tiếp tục đóng vai trò hòa giải trong cuộc xung đột kéo dài 7 tháng hay không. Thủ tướng Netanyahu hiện cho rằng Qatar không gây đủ áp lực buộc Hamas phải đạt được thỏa thuận thả ngừng bắn và trả tự do cho con tin.
Phong trào Hồi giáo Hamas và Israel đã đám phán và bất đồng trong nhiều tháng qua về các điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn mới. Israel bảo lưu quan điểm về việc không chấp nhận chấm dứt hoạt động quân sự ở Gaza để đổi lấy lệnh ngừng bắn lâu dài. Trong khi đó, Hamas cho biết phong trào này muốn đạt được một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện đi kèm với đảm bảo về việc Israel sẽ rút toàn bộ lực lượng ra khỏi Gaza.