Cụ thể, từ ngày 21/2, Israel bắt đầu cho phép các điểm dịch vụ dành cho đông người được mở cửa đón khách trở lại với điều kiện khách hàng phải có thẻ Xanh, nếu không sẽ bị từ chối phục vụ. Theo thống kê, đến nay Israel đã tiêm chủng cho hơn 50% tổng dân số đất nước, trong đó 4 triệu người đã được tiêm đủ 2 liều. Bên cạnh 3 triệu người chưa đủ điều kiện tiêm chủng (gồm trẻ em dưới 16 tuổi và những người đã khỏi COVID-19), thì vẫn còn 2 triệu người trưởng thành nhưng chưa được tiêm mũi vaccine nào.
Mặc dù chính phủ đã kiên trì vận động nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có tâm lý lo ngại và sợ tiêm vaccine. Theo khảo sát mới đây đối với những người chưa tiêm phòng, 41% người được hỏi trả lời lo sợ có thể bị tác dụng phụ của vaccine, 30% hoài nghi về hiệu quả của vaccine, 25% không có ý định đi tiêm. Thậm chí, theo kênh truyền hình Channel 13, mặc dù số ca mắc COVID-19 trong trẻ nhỏ gia tăng đáng kể, trong đó một số ca diễn biến nguy kịch, nhưng chỉ 41% phụ huynh có ý định sẽ tiêm phòng cho con nếu có vaccine cho lứa tuổi dưới 16, trong khi 30% trả lời là "chưa chắc".
Tâm lý hoài nghi đang lan tỏa âm ỉ trong các hội nhóm trên mạng xã hội ở Israel và trở thành một trong những trở ngại lớn đối với chiến dịch tiêm chủng toàn quốc với tham vọng trở thành nước đầu tiên thanh toán thành công dịch bệnh COVID-19. Sau đợt phong tỏa lần thứ 3, chính phủ Israel đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để mở cửa lại nền kinh tế - xã hội, nhưng kèm theo điều kiện phải có "thẻ Xanh". Vì vậy, có trường hợp tìm cách làm giả giấy chứng nhận này để qua mặt các cơ quan chức năng và các cơ sở dịch vụ. Kênh truyền hình Channel 12 tiết lộ thị trường “chợ đen” trên mạng xã hội Telegram đang phát triển mạnh, với hơn 100.000 người tham gia các nhóm chuyên cung cấp "thẻ Xanh" giả.
Trước đó, "thẻ Xanh" do Bộ Y tế cấp cho người dân Israel chỉ là một tờ giấy chứng nhận không có biện pháp bảo mật nên dễ bị làm giả. Trên mạng xã hội Facebook, chuyên gia an ninh mạng Ran Bar-Zik nhận định có thể dễ dàng xử lý đồ họa để thay đổi thông tin trên thẻ. Kể cả mã QR có vẻ như khó làm giả nhưng thực tế thì rất dễ. Ông Bar-Zik cho rằng mã QR trên thẻ Xanh của Israel chưa được mã hóa để chứa các thông tin cá nhân như họ tên, số căn cước, ngày tiêm chủng, do vậy đã có hàng chục nghìn người làm giả thẻ này.
Đáp lại những thông tin trên, Bộ Y tế đã chỉ trích Telegram lan truyền thông tin giả và đánh giá sai lệch nhằm phá hoại chương trình tiêm chủng của Israel đồng thời cảnh báo sẽ phạt 5.000 NIS (tương đương 1.500 USD) nếu phát hiện cá nhân nào mang giấy chứng nhận tiêm chủng giả. Bộ Y tế đã ứng dụng mã hóa vào tem QR theo tiêu chuẩn quốc tế và sẽ cấp thẻ trực tuyến cho người dân. Theo đó, 1 tuần sau khi tiêm đủ 2 mũi vaccine COVID-19, người dân có thể vào trang web của bộ để khai báo thông tin và tải về "thẻ Xanh" chứa mã QR bảo mật, in ra hoặc lưu trữ trên điện thoại. Bộ Y tế Israel cho biết, có thể dùng các máy quét mã vạch ở nhà hàng, siêu thị để kiểm tra tính xác thực của "thẻ Xanh" phục vụ công tác thanh kiểm tra, nhưng vẫn bảo mật các thông tin nhạy cảm của khách hàng.
Với chủ trương cấp "thẻ Xanh" kết hợp với thúc đẩy chương trình tiêm chủng, Israel đang hy vọng sớm khởi động lại các dịch vụ du lịch, văn hóa, giải trí, thể thao… nhằm đưa nền kinh tế - xã hội trở lại trạng thái bình thường mới như thời điểm trước đại dịch.