Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Singapore, những đối tượng trên – tất cả đều là công dân Indonesia – đã bị bắt giữ hồi tháng 9 do nghi ngờ tham gia các hoạt động hỗ trợ tài chính cho khủng bố và đối mặt với mức án tù 10 năm cũng như phạt hành chính 362.000 USD (tương đương 8,4 tỷ đồng).
Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Indonesia tại Singapore xác nhận các vụ bắt giữ và cho biết họ đang hỗ trợ công tác lãnh sự cho những người phụ nữ này - những người không có đại diện pháp lý vì vẫn đang bị điều tra.
Ba người giúp việc trên vẫn chưa bị kết tội. Các chuyên gia chủ nghĩa khủng bố cho biết họ không phải là những người giúp việc duy nhất làm việc tại các thành phố lớn ở châu Á như Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc) được cho là bị IS “tẩy não” qua Internet.
Giới chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh IS chuyển hướng sang các khu vực khác ở châu Á sau sự sụp đổ của đế chế tại Trung Đông, những người giúp việc là đối tượng đang được nhắm tới, theo phương thức ít có tổ chức hơn.
“Chúng đang săn những phần tử mà chúng coi là ngân hàng cung tiền cho chúng. Những con mồi này có nguồn thu nhập ổn định, nói tiếng Anh và có mạng lưới quốc tế rộng lớn”, Nava Nuraniyah – một nhà nghiên cứu tại Viện Phân tích Chính sách Xung đột (IPAC) ở Indonesia – ám chỉ tới bộ phận người giúp việc.
Hiện, Singapore đang có xấp xỉ 250.000 người giúp việc nhập cư, trong khi tại Hong Kong (Trung Quốc), có tới 385.000 người nhập cư đến đây làm giúp việc.
“Đại đa số lao động nước ngoài tuân thủ luật pháp và đóng góp tích cực cho xã hội của chúng tôi. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân tiếp tục bị cực đoan hóa bởi hệ tư tưởng bạo lực của IS”, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Singapore phát biểu. Phần lớn các trường hợp xác định danh tính liên quan đến chủ nghĩa khủng bố gần đây đều là người Indonesia.
Từ năm 2015 đến 2017, IPAC thực hiện một cuộc điều tra về tính cực đoan hóa trong những người giúp việc. Kết quả đáng kinh ngạc cho thấy có dấu hiệu cực đoan tại ít nhất 50 phụ nữ Indonesia làm các công việc như vú em, người giúp việc, chăm người già tại nước ngoài.
Theo một nguồn tin giấu tên, ít nhất 20 người giúp việc có tư tượng cực đoan đã bị trục xuất về Indonesia – quốc gia có dân số theo đạo Hồi lớn nhất thế giới.
Đối với những người phụ nữ dễ bị cực đoan hóa, quá trình “tẩy não” thường bắt đầu từ một sự kiện gây chấn động về tinh thần, và từ đó quá trình cực đoan hóa có thể diễn ra nhanh chóng. “Họ thường trải qua những sự kiện không hay như ly dị, nợ nần hoặc sốc văn hóa khi chuyển tới sống và làm việc tại một quốc gia khác”, chuyên gia Nuraniyah giải thích.
Sống xa nhà trong một môi trường không quen thuộc, thi thoảng lại bị chủ thuê đối xử tồi tệ, những người giúp việc ngoại quốc rất dễ bị ảnh hưởng từ những lời tuyên truyền qua Internet.
“Họ cô đơn nên cảm thấy cần gắn kết với cộng đồng Indonesia, cả trực tuyến lẫn ngoài đời thực. Tuy nhiên, họ không được trang bị đầy đủ kiến thức để đối phó với những thông điệp cực đoan gửi cho họ”, Diovio Alfath – một nhân viên chương trình Liên minh xã hội dân sự chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực.
Theo IPAC, những người giúp việc này có thể có số liên lạc của những phần tử bị cực đoan hóa trước trên Facebook qua kênh bạn bè hoặc họ có thể gặp gỡ qua nhóm cầu nguyện hoặc tụ họp vào những ngày nghỉ.
“Tôi bắt đầu nghe các chương trình podcast về Salafi khi lau dọn nhà cửa. Trên Facebook, tôi theo dõi những người mà có hồ sơ liên quan đến Hồi giáo vì tôi cần những người bạn có thể chỉ dẫn cho tôi”, một người giúp việc giấu tên đang làm việc tại Singapore trả lời khảo sát của IPAC, ám chỉ tới một nhánh hệ tư tưởng khắt khe của đạo Hồi.
Sau đó, người phụ nữ này gặp một người bán thịt lợn Indonesia 29 tuổi sống tại Batam. Đối tượng này khích lệ cô tới Syria gia nhập IS ở đó. Tuy nhiên, Chính phủ Singapore đã phát hiện ra kế hoạch này và trục xuất cô về Indonesia trong năm 2017.
Có đôi lúc, những nữ giúp việc bị gài vào mối quan hệ tình cảm với các phần tử cực đoan thông qua mạng trực tuyến. “Bạn trai ảo” của họ thường xuyên mời họ vào các nhóm chat hay ứng dụng bị mã hóa.
“Đây là nơi mà hiện thực tàn khốc diễn ra, thiết kế bom và các chỉ thị hoạt động được chia sẻ trong những nhóm này”, Zachary Abuza – một chuyên gia về hoạt động IS tại Đông Nam Á – giải thích.
Một khi quá trình cực đoan hóa hoàn tất, một số lượng nhỏ người giúp việc sẽ lấy những người “bạn trai thánh chiến”. Một người phụ nữ Indonesia làm việc ở Hong Kong đã quay trở về Banten (miền Tây Java) vào năm 2015 để trở thành vợ hai của tên Adi Jihadi – một phần tử thánh chiến bị bắt giữ hồi 2017 với tội danh cung cấp vũ khí và đào tạo các tay súng tại Mindanao.
Trong khi đó, một số người giúp việc khác lại đảm nhận những vai trò tích cực hơn, trở thành điểm hỗ trợ tài chính hay kết nối các đầu mối cho nhóm khủng bố.
“Một số người giúp việc sẽ hỗ trợ tài chính hay cung cấp nơi ở cho những phần từ tìm đường sang Syria”, chuyên gia Abuza cho hay.
Một người phụ nữ 36 tuổi, làm việc tại Hong Kong (Trung Quốc), chịu trách nhiệm thu quỹ từ những người giúp việc khác và chuyển số tiền đó về cho tổ chức thánh chiến tại Indonesia. Cô cũng mua vé máy bay cho các phần tử Indonesia bay tới Syria. Vào ngày nghỉ, cô tham dự các lớp học Salafi. Người này cũng bị phát hiện và trục xuất về Indonesia vào tháng 7/2017.
Trong số 50 người bị tư tưởng hóa mà IPAC tìm ra, có ít nhất 12 người âm mưu tìm đường sang Syria. Bốn người thực hiện trót lọt, trong khi số còn lại bị chặn đứng và trục xuất về nước.
Quá trình chiêu mộ còn mở rộng đến mức có thể đào tạo những người giúp việc thực hiện các vụ tấn công tự sát. Đối tượng 27 tuổi Dian Yuli Novi làm người giúp việc ở Đài Loan (Trung Quốc) và Singapore từng lên kế hoạch cho nổ tung người mình bên ngoài Dinh Tổng thống ở Jakarta. Tháng 8/2017, cô bị bắt giữ và chịu án tù 7,5 năm.
Tháng 12/2016, một kẻ đánh bom tự sát khác được cho là đã bị bắt ở miền Trung Java. Theo cáo buộc của IPAC, Ika Puspitasari đã quay trở lại Indonesia để kết hôn với một người đàn ông mà cô quen qua mạng từ năm 2015. Nhà chức trách nói rằng cô đã tự nguyện thực hiện một vụ đánh bom ở Bali vào đêm giao thừa. Cô bị kết án 4 năm 6 tháng tù vào năm 2017.
Người phát ngôn Chính phủ Singapore cho biết quốc gia này đang phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tôn giáo địa phương và một nhóm phục hồi để tham gia cùng với cộng đồng lao động nước ngoài thông qua các sự kiện tại các nhà thờ Hồi giáo và đại sứ quán nước ngoài.
Những sự kiện này nhằm dạy cho họ về các giá trị xã hội đa tôn giáo tại Singapore và cảnh báo họ về các tổ chức cực đoan. Bộ Lao động cũng tổ chức các cuộc họp giao ban cho các đơn vị tuyển dụng và kết hợp mô hình chống khủng bố trong chương trình định cư cho lao động nước ngoài.