Theo thỏa thuận đạt được hồi năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), Iran phải tuân thủ một văn bản, còn được biết đến là một điều khoản bổ sung, theo đó quy định tiến hành các cuộc thanh sát toàn diện chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo 8 năm sau khi văn kiện trên được thông qua.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nêu rõ: "Nếu Mỹ thực sự muốn tìm kiếm một thỏa thuận... Iran có thể biến điều khoản bổ sung trên thành luật (vào năm 2019), đồng thời (Mỹ) trình kế hoạch này trước Quốc hội và dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt bất hợp pháp. Tuy nhiên như chúng tôi dự đoán điều này đã bị Mỹ bác bỏ, bởi chúng tôi biết rằng họ không muốn đối thoại hay một thỏa thuận có thể mang lại một kết quả thỏa đáng".
Cũng theo ông Mousavi, đề xuất trên do Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đưa ra trong chuyến thăm New York (Mỹ) vào tháng này nhằm bác bỏ thông tin cho rằng "Iran phản đối các cuộc đàm phán...(trong khi) Mỹ ủng hộ đối thoại".
Hiện đại diện các nước còn lại trong thỏa thuận hạt nhân Iran đã họp khẩn tại Vienna (Áo) nhằm thảo luận các biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, còn gọi là Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA). Ông Mousavi cho biết tại cuộc gặp này, Iran đã kịch liệt phản đối việc bắt giữ một số công dân Iran tại châu Âu cũng như vụ bắt giữ tàu chở dầu của Iran ngoài khơi vùng lãnh thổ Gibraltar thuộc Anh hồi đầu tháng 7. Tuy nhiên, bất chấp những bất đồng, ông Mousavi cho biết các cuộc thảo luận đểu rất "thẳng thắn và dứt khoát", giúp xua tan không khí nặng nề do hiểu lầm hay nghi kỵ lẫn nhau và mở đường cho việc tiếp tục tiến trình đối thoại.
Cuộc họp trên được triệu tập trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và phương Tây leo thang, với các vụ bắt giữ tàu ở vùng Vịnh, cùng với việc Tehran tuyên bố ngừng thực thi một số cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, đồng thời tiến hành làm giàu urani trên mức 3,67% quy định trong thỏa thuận. Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, các bên còn lại trong thỏa thuận đã nỗ lực cứu vãn thỏa thuận, song những biện pháp của châu Âu nhằm bảo vệ hoạt động thương mại với Iran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ cho đến nay chưa mang lại kết quả cụ thể nào.