Theo đài Sputnik, Thứ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Mahdi Farahi nói trong một cuộc phỏng vấn truyền hình ngày 22/8: “Các phiên bản mới của Bavar-373 sẽ ra mắt sớm và một phiên bản mới có thể hiệu quả tương đương hoặc hơn S-400”.
Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, ông Farahi cũng cho biết Iran đã phát triển một loại nhiên liệu lỏng mới dùng cho rocket, ổn định như nhiên liệu rắn. Thông thường, nhiên liệu rắn dùng trong rocket phải sẵn sàng phóng ngay, nhưng bất lợi là nhiên liệu rắn kém hiệu quả hơn nhiên liệu lỏng. Nhiên liệu lỏng ổn định sẽ giúp tên lửa Iran có tốc độ và thời gian phóng nhanh hơn mà lại nhẹ hơn.
Trước đó, năm 2019, Chuẩn tướng Iran Shahrokh Shahram, Giám đốc Tổ chức Công nghiệp Điệp tử thuộc Bộ Quốc phòng Iran, cho biết Bavar-373 vượt trội về năng lực so với hệ thống phòng không Patriot của Mỹ và kể cả Hệ thống Phòng thủ Tên lửa Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD).
Video Iran thử Bavar-373 phiên bản cũ năm 2020 (nguồn: Tasnim):
Iran phát triển Bavar-373 sau khi Nga cấm xuất khẩu hệ thống tên lửa đất đối không S-300 tới năm 2015. Hệ thống phát triển trong nước này sử dụng nhiều radar để phát hiện tới 300 mục tiêu cùng lúc, theo dõi 60 mục tiêu trong số đó và có thể bắn 6 mục tiêu. Hệ thống này còn có thể vô hiệu hóa nhiều hình thức gây nhiễu.
Vật phóng của Bavar-373 là tên lửa Sayyard-4 – một phiên bản cải tiến của tên lửa Standard 1 (SM-1) mà Mỹ bán cho Iran trước Cách mạng Hồi giáo năm 1979. Tên lửa có tầm bắn tới 210km và có thể tiếp cận mục tiêu với tốc độ siêu vượt âm.
Nếu phiên bản mới Bavar-373 có thể vượt trội S-400 thì đó sẽ là loại hệ thống được cải tiến đáng kể. S-400 có thể bắn mục tiêu cách 400km khi dùng tên lửa 40N6E tầm cực xa. Tuy nhiên, nếu hệ thống mới của Iran thực sự có năng lực như vậy thì Iran có thể có vũ khí đáng tin để bắn hạ các vệ tinh tầm thấp hoặc tên lửa đạn đạo trong giai đoạn đang bay.
Hồi tháng 6, ông Dmitry Shugaev, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga cho biết Iran quan tâm tới một số hệ thống vũ khí của Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Iran khi đó là ông Amir Hatami đã thị sát một hệ thống S-400 tại triển lãm quân sự ARMY-2020.
Từ tháng 10/2020, các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran để ngăn nước này mua vũ khí ở nước ngoài đã hết hạn, nhưng nếu Iran định mua S-400 của Nga, Iran sẽ lại tạo điều kiện cho Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt mới theo Đạo luật Chống lại Kẻ thù của Mỹ thông qua Trừng phạt (CAATSA). Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ cũng gặp khó khăn với các hạn chế tương tự khi mua S-400.