Iran giảm giá để cạnh tranh với dầu Nga tại thị trường Trung Quốc

Iran đang buộc phải giảm hơn nữa giá dầu thô vốn đã rẻ của mình khi dầu Nga giành được chỗ đứng vững chắc hơn tại thị trường Trung Quốc.

Chú thích ảnh
Nhà máy lọc dầu của công ty Gulf Star ở Bandar Abbas, Iran. Ảnh: Bloomberg

Theo Bloomberg, Trung Quốc đã trở thành một điểm đến quan trọng đối với dầu của Nga khi Moskva tìm cách duy trì dòng chảy dầu sau khi đưa quân vào Ukraine. Điều đó đã dẫn đến việc Nga gia tăng cạnh tranh với Iran tại một trong số ít thị trường còn lại của Iran. Tehran bị hạn chế đáng kể khả năng bán dầu vì các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Xuất khẩu dầu của Nga sang Trung Quốc đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 5. Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Mặc dù Iran đã giảm giá dầu để duy trì tính cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc, nhưng nước này bán được nhiều dầu một phần có thể là do nhu cầu tăng cao khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt.

Ông Vandana Hari, người sáng lập công ty Vanda Insights tại Singapore, cho biết: “Dầu Iran và Nga cạnh tranh ở Trung Quốc, điều này sẽ hoàn toàn có lợi cho Bắc Kinh. Điều này cũng có thể khiến các nhà sản xuất vùng Vịnh không yên tâm khi thấy ​​các thị trường quan trọng của mình tràn ngập dầu giá rẻ”.

Dữ liệu chính thức của Trung Quốc chỉ liệt kê ba tháng nhập khẩu dầu từ Iran kể từ cuối năm 2020, gồm cả tháng 1 và tháng 5 năm nay, nhưng số liệu của bên thứ ba cho thấy dòng dầu thô ổn định. Sau khi giảm nhẹ vào tháng 4, nhập khẩu dầu đã đạt hơn 700.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6. Tuy nhiên, công ty tư vấn ngành FGE cho biết dầu Urals của Nga đã thay thế một số lượng dầu của Iran.

Theo các nhà giao dịch, dầu Iran thấp hơn gần 10 USD/thùng so với giá dầu Brent giao sau, ngang bằng với dầu Urals dự kiến ​​đến Trung Quốc trong tháng 8 này. Trước khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, Iran chỉ giảm giá khoảng 4 đến 5 USD/thùng. Dầu nhẹ và nặng của Iran gần giống nhất với dầu Urals của Nga.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc là những bên mua nhiều các loại dầu thô của Nga và Iran. Nguồn cung cấp giá rẻ rất quan trọng vì các nhà máy này bị ràng buộc bởi các quy tắc về xuất khẩu nhiên liệu, không giống như các nhà máy do nhà nước điều hành.

Các nhà máy tư nhân không được cấp hạn ngạch để vận chuyển nhiên liệu ra thị trường nước ngoài, nơi giá cả tăng cao do nguồn cung khan hiếm. Thay vào đó, họ chỉ được cung cấp cho thị trường nội địa và đã phải chịu lỗ khi lọc dầu trong những tháng gần đây do việc phong tỏa phòng đại dịch.

Theo các thương nhân, dầu thô ESPO của Nga (ít lưu huỳnh hơn và chất lượng cao hơn) đắt hơn dầu Iran, nhưng vẫn rẻ hơn so với các thùng tương đương từ Trung Đông. Việc Trung Quốc sẵn sàng mua dầu giảm giá đang làm hạn chế dòng dầu từ các nhà cung cấp khác.

Theo bà Jane Xie, nhà phân tích dầu cao cấp tại Kpler, Tây Phi là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là nguồn cung từ Angola, Gabon và Cộng hòa Dân chủ Congo. Bà cho biết dòng chảy dầu từ Tây Phi trung bình 642.000 thùng/ngày trong tháng trước, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2013.

Ông Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford, cho biết: “Điều này có thể sẽ vẫn là xu hướng cho đến khi nền kinh tế bắt đầu khởi sắc và hoạt động trở lại, lúc đó nhu cầu đối với tất cả các loại dầu thô sẽ tăng lên”.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhiều chủ tàu thu lợi khủng nhờ vận chuyển dầu thô Nga
Nhiều chủ tàu thu lợi khủng nhờ vận chuyển dầu thô Nga

Bất chấp mọi rủi ro từ việc phương Tây áp lệnh cấm vận và không cung cấp bảo hiểm cho các tàu chở dầu Nga, nhiều chủ tàu vẫn sẵn sàng vận chuyển dầu thô của Moskva và thu được lợi nhuận khủng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN