Trước đó một ngày, Đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook đã công khai khẳng định kế hoạch trên trong bài viết đăng trên báo Wall Street Journal, hai tuần sau khi một quan chức Mỹ giấu tên cho hay chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo với Anh, Pháp và Đức về thông tin này. Ông Hook cho biết Washington sẽ đảm bảo lệnh cấm vận vũ khí vẫn được duy trì "bằng cách này hay cách khác". Theo quan chức này, Washington đã soạn thảo một nghị quyết HĐBA LHQ và sẽ thúc đẩy việc thông qua văn bản này "bằng ngoại giao và tạo dựng sự ủng hộ".
Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Zarif tuyên bố những phát biểu của các quan chức Mỹ "không có gì mới" và "không đáng ngạc nhiên" trong khi Washington không còn tham gia thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện, vốn được Iran ký kết với Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015.
Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đã thực thi chính sách cứng rắn hơn đối với Iran. Washington đang tìm cách gia hạn lệnh cấm vận của LHQ dự kiến sẽ hết hạn vào tháng 10 tới theo JCPOA.
Năm 2015, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp đã ký với Iran JCPOA nhằm ngăn chặn Teheran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy sự nới lỏng trừng phạt, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. HĐBA LHQ đã ghi nhận thỏa thuận trên trong một nghị quyết, trong đó vẫn nêu Mỹ là một bên tham gia mặc dù nước này đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Washington đã dựa vào chi tiết này để lập luận rằng có thể khôi phục các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ Vassily Nebenzia hôm 12/5 đã bác bỏ việc Mỹ khẳng định vẫn là một bên của thỏa thuận hạt nhân Iran.
Đại sứ Nebenzia nhấn mạnh đây là điều “nực cười” khi cho rằng Mỹ vẫn là một bên tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran sau 2 năm rút khỏi thỏa thuận, nhờ vậy Washington có thể kích hoạt trở lại tất cả lệnh trừng phạt của LHQ đối với Tehran. Ông nêu rõ: "Họ (Mỹ) không phải là một bên tham gia và không có quyền kích hoạt".