Cuộc họp đặc biệt của IAEA tại Vienna, Áo, đã diễn ra theo yêu cầu của Mỹ, sau khi Iran vào tuần trước xác nhận đã vượt qua mức dự trữ urani được làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Tại cuộc họp này, Đại sứ Mỹ tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, Jackie Wolcott cho rằng Tehran đang sử dụng hạt nhân để gây áp lực với cộng đồng quốc tế, khi nước này thông báo sẽ không tuân thủ những giới hạn trong thỏa thuận chừng nào các bên còn lại trong JCPOA, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, có các hành động mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran.
Đáp lại, Đại sứ Iran Kazem Gharib Abadi cho rằng tình thế hiện nay là kết quả của lối hành vi xử “ngoài vòng pháp luật” của Washington, đồng thời lên án cách hành xử của Mỹ khi áp đặt trừng phạt Iran.
Trên mạng xã hội Twitter, Đại sứ Nga tại IAEA Mikhail Ulyanov nhận định Mỹ đã bị cô lập về vấn đề hạt nhân Iran. Theo ông, Washington từng cho rằng JCPOA là một “thỏa thuận tồi” và những tuyên bố của Mỹ tại cuộc họp này lại cho thấy Washington đã nhận ra tầm quan trọng của JCPOA.
Trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp, Anh, Pháp, Đức khẳng định tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hạt nhân JCPOA, vốn phụ thuộc vào việc Iran thực hiện đầy đủ các cam kết. Tuyên bố nhấn mạnh vấn đề hiện nay cần phải được giải quyết với sự tham gia của các bên trong JCPOA, đồng thời kêu gọi tổ chức khẩn cấp một cuộc họp ủy ban chung.
Quan hệ Mỹ- Iran không ngừng leo thang căng thẳng trong thời gian gần đây, một năm sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015. Thỏa thuận này dựa trên hai cam kết then chốt của Tehran, đó là chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ tối đa 3,67% - một tỷ lệ vừa đủ để sản xuất năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, và số lượng urani làm giàu ở tỷ lệ thấp này cũng chỉ được tối đa 300 kg. Đổi lại, các quốc gia còn lại dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt nhằm vào Tehran. Tuy nhiên, sau khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran và không ngừng gia tăng sức ép với Tehran, buộc quốc gia này trở lại bàn đàm phán để "sửa đổi" thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump cho là chưa chặt chẽ vì không bao gồm chương trình tên lửa và tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Từ đầu tháng 7 cho tới nay, sau nhiều nỗ lực kêu gọi và chờ đợi các bên còn lại của thỏa thuận tìm cách giúp Iran "né" các biện pháp trừng phạt của Mỹ mà không có kết quả rõ ràng, Tehran đã điều chỉnh phạm vi tuân thủ JCPOA. Hãng tin Reuters (Anh) dẫn các nguồn thạo tin cho biết, trong phiên họp kín ngày 10/7, IAEA thông báo với các quốc gia thành viên rằng Iran đang làm giàu urani tới độ tinh khiết 4,5%, cao hơn giới hạn 3,67% mà Tehran đã nhất trí trong JCPOA.