Bộ trưởng Agus Gumiwang khẳng định nếu đề xuất trên được thông qua sẽ giúp kích thích thị trường ô tô cũng như khuyến khích sự phát triển của lĩnh vực sản xuất ô tô trong nước vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Trước đề xuất trên, Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp ô tô Indonesia (Gaikindo), ông Kukuh Kumara cho biết tình hình kinh doanh ô tô tại thị trường trong nước hiện nay đang rất khó khăn khi doanh số bán hàng chỉ đạt khoảng 30% so với thời điểm bình thường. Các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nặng nề về doanh số bán hàng, tình trạng ùn ứ trong sản xuất và phải tính đến việc sai thải công nhân. Điều này đang tạo ra áp lực lớn đối với nền kinh tế quốc gia. Nếu chính sách thuế đối với mặt hàng ô tô được nới lỏng theo đề xuất sẽ giúp kích thích thị trường sớm phục hồi.
Tuy nhiên, theo ông Kukuh Kumara, bên cạnh việc nới lỏng chính sách thuế này, chính phủ cũng nên xem xét nhiều biện pháp khác để tạo thuận lợi cho kinh doanh và sản xuất đối với ngành công nghiệp ô tô trong nước, như xem xét lại chính sách hạn chế phương tiện cá nhân trong thành phố. Chính sách này vẫn là rào cản lớn đối với người dân trong việc mua sắm ô tô cá nhân và ảnh hưởng lớn đến việc kích cầu tiêu dùng trong lĩnh vực này.
Đại diện Hiệp hội công nghiệp xe máy Indonesia (AISI), ông Ahmad Muhibbuddin cho biết, để xuất của Bộ Công nghiệp là một tín hiệu tốt đối với ngành sản xuất ô tô, sắp tới AISI cũng đề nghị Chính phủ áp dụng chính sách này đối với mặt hàng xe máy. Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì doanh số bán hàng giảm mạnh từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Indonesia. Tính đến tháng 5/2020, doanh số bán của lĩnh vực này chỉ đạt 21.851 xe, so với con số 561.657 xe cùng kỳ năm 2019. Đây là mức sụt giảm nghiêm trọng chưa từng có tại Indonesia. AISI rất cần sự hỗ trợ của chính phủ để nhanh chóng vực dậy ngành công nghiệp sản xuất xe máy tại Indonesia.
Không chỉ riêng ngành ô tô, toàn bộ nền kinh tế Indonesia cũng đang đứng trước những thách thức lớn từ cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Trong báo cáo mới nhất vừa được công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế của Indonesia năm 2020 sẽ giảm 1%, đánh dấu lần đầu tiên kinh tế Indonesia giảm kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.
Theo Giám đốc phụ trách ADB Winfried Wicklein tại Indonesia, mặc dù có nền kinh tế vĩ mô vững chắc, song do phạm vi và xu hướng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dự kiến Indonesia sẽ phải đối mặt với một chặng đường tăng trưởng khó khăn cho đến hết năm 2020. Tuy nhiên, tình hính sẽ được cải thiện và có thể tăng trưởng trở lại ở mức 5,3% vào năm 2021 do dịch bệnh khi đó được kiểm soát, các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.