Cụ thể, doanh số xe du lịch đạt 20.916, xe thương mại xếp sau với 6.532 chiếc và cuối cùng là xe chuyên dụng với 319 xe. Với kết quả này, doanh số xe du lịch tăng 37%; xe thương mại tăng 10% và xe chuyên dụng tăng 10% so với tháng 8/2019.
Xét về nguồn gốc, sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 16.994 xe, tăng 35% so với tháng trước; Trong khi đó, số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 10.773 xe, tăng 21% so với tháng trước.
Một số doanh nghiệp có mức tăng trưởng bán hàng ấn tượng trong tháng 9 như Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) đạt 7.334 xe (không bao gồm xe Lexus), tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Mẫu xe Vios, Fortuner và Innova nằm trong top các mẫu xe bán chạy nhất VAMA. Công ty Thaco Trường Hải bán ra thị trường 7.536 xe, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2019, tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số ô tô du lịch tăng 30%, xe thương mại giảm 3% và xe chuyên dụng giảm 27%.
Trên toàn thị trường ô tô Việt Nam, mặc dù lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước bán ra vẫn luôn cao hơn ô tô nhập khẩu nhưng kể từ đầu năm đến hết tháng 9/2019, tổng số tiêu thụ xe lắp ráp lại giảm 13% (đạt 136.738 xe), trong khi xe nhập khẩu tăng trưởng mạnh tới 150% (đạt 93.596 xe) so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo, thị trường ô tô từ nay tới cuối năm sẽ sôi động, không chỉ là thời điểm mua sắm nhiều hơn của người tiêu dùng mà việc các hãng xe liên tục đưa ra các hình thức giảm giá, khuyến mãi và các mẫu xe mới sẽ khiến kích cầu mạnh hơn. Hiện hầu hết các mẫu xe trên thị trường đều được giám giá bán, trung bình từ 10 triệu đến 20 triệu đối với những mẫu xe giá rẻ, từ 15-50, 60 triệu với những loại xe phân khúc hạng B. Đặc biệt, các dòng xe sang như BMW, Audi… có mức giảm cao từ 100- 200.000 triệu đồng/xe.