Theo Tổng thống Jokowi, giá xăng Pertalite, nếu không được trợ giá, có thể lên tới 17.100 rupiah/lít (khoảng 1,2 USD/lít). Tuy nhiên, chính phủ vẫn đang giữ giá nhiên liệu Pertalite ở mức 7.650 rupiah/lít. Nếu để giá nhiên liệu tăng quá cao, tình hình chính trị có thể sẽ bất ổn, khả năng xảy ra các cuộc biểu tình tại các thành phố kéo dài trong nhiều tháng.
Ông Jokowi nhấn mạnh: "Hãy tưởng tượng nếu giá xăng Pertalite tăng từ 7.650 rupiah lên đúng giá 17.100 rupiah, thì đất nước có thể rơi vào tình trạng bất ổn". Với mức giá xăng Pertalite theo thị trường hiện nay có giá 17.100 rupiah/lít và sau khi trợ giá còn 7.650 rupiah/lít, điều đó có nghĩa là chính phủ đã phải hỗ trợ 9.450 rupiah/lít xăng Pertalite.
Ông Jokowi cho biết, PT Pertamina (Persero) dự báo năm 2022 sẽ cần tới 23 triệu lít xăng trợ giá, tuy nhiên, tình hình thực tế có thể phải tăng tới 28 triệu lít. Trong trường hợp nhu cầu tiêu thụ cần tới 28 triệu lít xăng Pertalite, với việc trợ giá 9.450 rupiah/lít, Chính phủ Indonesia sẽ phải chi khoảng 17,7 tỷ USD trong năm nay cho chính sách trợ giá xăng dầu. Đây mới chỉ là chính sách trợ giá xăng Pertalite chứ chưa tính tới việc trợ giá các nguồn năng lượng khác như dầu diesel và điện, cũng như các mặt hàng khác như phân bón.
Tổng thống Jokowi khẳng định, “chính phủ đã tăng ngân sách trợ cấp năng lượng đặc biệt từ 11,4 tỷ USD lên 33,5 tỷ USD năm 2022. Sẽ không có quốc gia nào đủ mạnh để đưa ra một khoản trợ cấp lớn như vậy”.