Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Tôn giáo Indonesia Yaqut Cholil Qoumas nhấn mạnh việc tiếp nhận lô vaccine này thể hiện cam kết của chính phủ đối với toàn bộ người dân Indonesia. Bộ trưởng Yaqut cho biết chính phủ nước này đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 2 triệu người/ngày trong tháng 8 tới và do vậy cần có đủ vaccine để cung cấp cho người dân.
Ông Yaqut cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo, các tổ chức tôn giáo và các thành phần xã hội đóng góp sức mình vào thành công của chương trình tiêm chủng quốc gia. Ngoài ra, Bộ trưởng Yaqut cũng kêu gọi các tín đồ tôn giáo cầu nguyện tại nhà trong thời gian thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) khẩn cấp.
Với việc tiếp nhận lô vaccine nói trên, hiện Indonesia đã có hơn 180 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó 126 triệu liều vaccine của Sinovac, 14 triệu liều vaccine của AstraZeneca, 6 triệu liều vaccine của Sinopharm và 4,5 triệu liều vaccine của Moderna.
Indonesia đã phê duyệt 5 loại vaccine cho chương trình tiêm chủng quốc gia, bao gồm Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Novavax. Ngoài ra, quốc gia này cũng phê duyệt 4 loại vaccine khác cho chương trình tiêm chủng tư nhân Gotong Royong (Hợp tác Cùng nhau), gồm Sinopharm, CanSino, Sputnik V và Anhui Zhifei Longcom.
Quốc gia Đông Nam Á này đã khỏi động chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí vào ngày 13/1 và chương trình tiêm chủng Gotong Royong vào ngày 19/5 với mục tiêu cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 181,5 triệu người nhằm đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.
Cùng ngày, Đặc phái viên của Liên minh châu Phi về đại dịch COVID-19, Strive Masiyiwa cho biết khu vực này sẽ bắt đầu tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng Johnson&Johnson gồm 400 triệu liều vào tuần tới.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, ông Masiyiwa cho biết lô vaccine này sẽ được dùng để tiêm cho một nửa trong khoảng 800 triệu người đang cần được tiêm vaccine ở châu lục này. Ngoài ra, khoảng 6 triệu liều vaccine sẽ được chuyển giao cho 27 quốc gia ở châu Phi đã trả tiền cho phần vaccine của mình, cho đến hết tháng 8, với 18 nước khác đang hoàn tất các khoản vay từ Ngân hàng Thế giới (WB) và các tổ chức cho vay toàn cầu khác trước khi tiến hành thanh toán. Các đợt giao vaccine sẽ tăng trung bình 10 triệu liều/tháng, bắt đầu từ tháng 9, tăng lên 20 triệu liều vào tháng 1/2022 cho đến khi hoàn tất đơn đặt hàng vào tháng 9/2022. Phần vaccine thiếu còn lại sẽ được cung cấp thông qua Cơ chế COVAX hay viện trợ song phương từ các quốc gia phát triển như Mỹ.
Đến nay, khoảng 60 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 đã được sử dụng ở châu lục có 1,3 tỉ dân này.