Indonesia thêm 1.331 ca mắc COVID-19, nâng tổng số lên 42.762 ca

Ngày 18/6, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 1.331 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại nước này lên 42.762 ca. Đây là mức tăng số ca bệnh mới cao nhất trong một ngày tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi dịch bệnh bùng phát.  

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 14/6/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Quan chức Achmad Yurianto thuộc Bộ Y tế Indonesia cho biết nước này cũng đã ghi nhận thêm 63 ca tử vong trong ngày 18/6, nâng tổng số ca tử vong lên 2.339. 

Như vậy, Indonesia hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất tại khu vực Đông Nam Á và có số ca tử vong vì dịch bệnh này cao thứ hai tại khu vực Đông Á chỉ sau Trung Quốc.  

Trong khi đó, cùng ngày, người phát ngôn Bộ Y tế Iran Sima Sadat Lari cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 2.596 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại đây lên 197.647, trong khi tổng số ca tử vong đã tăng lên mức 9.272. Số liệu cập nhật này có sự điều chỉnh so với thông báo trước đó cùng ngày (2.612 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 195.051 ca và 9.185 ca tử vong). 

Tình hình dịch bệnh tại Iran vẫn diễn biến phức tạp. Giới chức Tehran đang tăng cường siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn đại dịch lây lan tại một số tỉnh chịu tác động nặng nề nhất ở nước này. 

Hiện 5/31 tỉnh của Iran - gồm Bushehr, Đông Azerbaijan, Hormozgan, Kermanshah và Khuzestan - đang nằm trong diện cảnh báo "đỏ" và đây là cấp độ cảnh báo cao nhất về nguy cơ mắc COVID-19.  

Hãng thông tấn IRNA đưa tin Đông Azerbaijan đang lên kế hoạch tái áp đặt các biện pháp hạn chế tại thời điểm số ca nhiễm bệnh và tử vong do COVID-19 đang gia tăng tại tỉnh này. Trong khi đó, tỉnh Hormozgan đã đóng cửa tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu, các công viên và các tổ chức chính phủ, đồng thời tái áp đặt lệnh cấm di chuyển ít nhất tới ngày 20/6.    

Trước đó, Khuzestan là tỉnh đầu tiên tái áp đặt lệnh phong tỏa do tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu sau khi Chính phủ Iran từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm mở cửa trở lại nền kinh tế.

* Liên quan tình hình dịch bệnh, huyện An Tân - cách thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc khoảng 150 km và là nơi sinh sống của khoảng 460.000 người - đã áp đặt nhiều biện pháp hạn chế đi lại. Hiện giới chức nước này đang khẩn trương ngăn chặn một đợt bùng phát mới dịch COVID-19 thông qua nỗ lực xét nghiệm và truy dấu virus SARS-CoV-2 cũng như phong tỏa nhiều khu vực ở thủ đô.      

Hầu hết các phương tiện ra vào An Tân đều bị cấm, ngoại trừ các phương tiện ưu tiên. Trong khi đó, các xe cá nhân và xe công vụ chỉ có thể ra vào địa phương này nếu có giấy phép.

Bắc Kinh hiện đang thu thập khoảng 400.000 mẫu/ngày để tiến hành xét nghiệm sàng lọc các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 sau khi xuất hiện nhiều lo ngại về một đợt bùng phát dịch bệnh mới tại Trung Quốc. Tổng số ca nhiễm trong 7 ngày qua liên quan đến các ổ dịch mới tại chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa (Xinfadi) lớn nhất châu Á và khu chợ bán buôn thứ hai ở quận Hải Điến (Haidian), đã lên tới 158 ca. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã quyết định ngừng mọi sự kiện thể thao, đóng cửa các phòng tập gym, các trường học, ngừng hơn 1.500 chuyến bay/ngày. Khoảng 30 khu dân cư hiện đã bị phong tỏa, trong khi nhiều thành phố đã áp dụng cách ly bắt buộc đối với người từ Bắc Kinh.

Minh Tâm  (TTXVN)
Tình hình COVID-19 hết ngày 17/6 tại ASEAN: Indonesia đứng đầu về số ca mắc; Thái Lan 23 ngày không có ca lây nhiễm trong nước
Tình hình COVID-19 hết ngày 17/6 tại ASEAN: Indonesia đứng đầu về số ca mắc; Thái Lan 23 ngày không có ca lây nhiễm trong nước

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 17/6, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận tổng cộng 122.444 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 3.598 người tử vong. Indonesia đã vượt Singapore về tổng ca mắc bệnh và đứng đầu ASEAN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN