Ông Luhut cho biết Tổng thống Joko Widodo đã thảo luận với ông và một số bộ trưởng khác về chính sách này và nhiều khả năng sẽ triển khai thực hiện trong tháng 8/2023.
Theo ông Luhut, ngoài việc thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, chính sách thị thực àng sẽ nhắm tới bộ phận trí thức nước ngoài, bao gồm các nhà nghiên cứu từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Thị thực vàng cũng có thể được trao cho các nhà phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong khi đó, quan chức phụ trách vấn đề nhập cư Silmy Karim cho rằng chính sách này về lâu dài sẽ có lợi cho Chính phủ Indonesia. Các công ty muốn có thị thực vàng phải đầu tư thực tế ít nhất 50 triệu USD, trong khi các cá nhân phải mua trái phiếu chính phủ với giá trị tối thiểu là 350.000 USD.
Những người nộp đơn đủ điều kiện có thể nhận được thị thực nhập cảnh nhiều lần có giá trị từ 5 - 10 năm. Sau đó, họ có thể tiến hành kinh doanh và các hoạt động khác ở Indonesia. Chính sách thị thực vàng cũng là một trong những cách của chính phủ để sàng lọc những cá nhân đủ tiêu chuẩn từ nước ngoài vào Indonesia. Ông Silmy Karim cho rằng Indonesia cần thực hiện chính sách này, vốn đã rất thành công ở những nước như Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Singapore, Mỹ và một số quốc gia châu Âu.