Indonesia triển khai chương trình ‘thị thực vàng’ thu hút nhân tài toàn cầu

Indonesia đang lên kế hoạch “trải thảm đỏ” chào đón nhân tài trên khắp thế giới thông qua chương trình “thị thực vàng”, nhằm mục đích biến nước này trở thành điểm đến làm việc hấp dẫn hơn thông qua giấy phép lưu trú dài hạn hơn.

Chú thích ảnh
Ảnh: Reuters

Theo tờ Jakarta Post, sau cuộc họp Nội các với Tổng thống Joko Widodo hôm 1/6, Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Indonesia, ông Sandiaga Uno, bày tỏ kỳ vọng rằng thị thực vàng có thể là “nhân tố thay đổi cuộc chơi” trong nỗ lực thu hút thêm nhiều lao động và đầu tư nước ngoài, từ đó hy vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn tại Singapore.

“Thị thực vàng là một chính sách mới mà chúng tôi sẽ sớm triển khai để thu hút những tài năng chất lượng trong lĩnh vực số hóa, y tế, nghiên cứu và công nghệ. Chính sách này sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi, thu hút nhiều người nước ngoài hơn, bao gồm cả những người du mục kỹ thuật số và doanh nhân đầu tư vào Indonesia”, ông Sandiaga nói.

Ông cho biết theo chương trình thị thực vàng, người nước ngoài có thể được cấp giấy phép lưu trú tới 10 năm, song chi tiết của chính sách này vẫn chưa rõ ràng vì chúng vẫn đang được Tổng cục Nhập cư của Bộ Luật pháp và Nhân quyền thảo luận.

“Chúng tôi hy vọng chính sách này sẽ đưa Indonesia trở thành tâm điểm của tăng trưởng kinh tế trong tương lai, đồng thời biến Indonesia thành trung tâm phát triển bền vững, vì chúng tôi là quốc gia quần đảo lớn nhất có khả năng hấp thụ lượng carbon rất lớn,” ông nói thêm.

Theo trang web của Ban Thư ký Nội các Indonesia, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) định nghĩa thị thực vàng là cấp phép cư trú hoặc trao quyền công dân theo chương trình đầu tư. Theo đó, các công dân nước ngoài được phép cư trú hoặc được cấp quốc tịch sau khi đầu tư một khoản tiền nhất định.

Thị thực vàng mang lại một số lợi ích độc quyền mà những người có thị thực thông thường không được hưởng, như quy trình cấp thị thực nhanh hơn, được phép nhập cảnh nhiều lần, giấy phép lưu trú dài hơn, có quyền sở hữu tài sản ở Indonesia và được dùng làm cơ sở để nộp đơn xin nhập quốc tịch.

Chương trình “thị thực vàng” sẽ là chính sách thị thực thứ 2 mà Chính phủ Indonesia tung ra trong những tháng gần đây, sau khi giới thiệu chương trình thị thực “quê hương thứ hai” hồi tháng 10 năm ngoái. Chương trình này chủ yếu nhắm vào những người nước ngoài cao tuổi khá giả đang muốn nghỉ hưu ở Bali hoặc các điểm du lịch nổi tiếng khác trong nước.

Chương trình thị thực “quê hương thứ hai” – có hiệu lực từ đầu năm nay – cho phép người nước ngoài xin giấy phép lưu trú lên đến 10 năm, nếu họ đã có thị thực và có thể chứng minh tài chính 128.559 USD trong tài khoản ngân hàng cá nhân ở Indonesia, hoặc bằng chứng về quyền sở hữu một tài sản xa xỉ trong nước.

Tuy nhiên, việc chứng minh tài chính với số tiền khổng lồ này đã làm dấy lên lo ngại trong cộng đồng người hưu trí nước ngoài đang sống ở Indonesia. Nhiều người trong số họ không có đủ số tiền cần thiết nhưng vẫn được đề nghị chuyển sang thị thực “quê hương thứ hai”.

Ban đầu, thị thực "quê hương thứ hai" sẽ đóng vai trò thay thế cho thị thực hưu trí hiện có. Nhưng Chính phủ Indonesia đã ban hành thông tư khác loại bỏ chính sách này, thay vào đó cho phép những người có thị thực hưu trí có thể duy trì tình trạng thị thực trong khi chờ các quyết định tiếp theo.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Jakarta Post)
Indonesia công bố logo của thủ đô mới
Indonesia công bố logo của thủ đô mới

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 30/5, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã công bố logo mang tên “Cây đời” của thủ đô mới (IKN) Nusantara nằm ở tỉnh Đông Kalimantan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN