Phát biểu tại phiên điều trần trước Hạ viện, ông Thohir cũng bày tỏ hy vọng rằng quốc gia này sẽ nhận được 30 triệu liều vaccine COVID-19 vào cuối năm nay thông qua hợp tác với các hãng Sinovac của Trung Quốc và G42 của Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) để tiêm chủng cho 15 triệu người dân nếu các thử nghiệm lâm sàng hiện nay cho kết quả tốt.
Ông Thohir – người cũng đang giữ chức Bộ trưởng Doanh nghiệp nhà nước – cho hay kế hoạch cung cấp vaccine nói trên sẽ do nhà nước chi trả và sẽ sử dụng dữ liệu của hệ thống chăm sóc y tế quốc gia (BPJS) làm cơ sở để quản lý vaccine.
Tuy nhiên, nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước vốn đang ngày một thâm hụt, ông Thohir cũng đề nghị những người có đủ khả năng chi trả tự bỏ tiền túi để mua vaccine một cách độc lập.
Cũng theo Bộ trưởng Thohir, các công ty dược phẩm Indonesia đã hợp tác với hai công ty Trung Quốc và UAE nói trên để mua vaccine. Cụ thể, công ty dược phẩm quốc doanh Bio Farma và Sinovac cam kết sản xuất 20 triệu liều vaccine vào cuối năm nay và 250 triệu liều vào năm 2021.
Trong khi đó, hãng dược khác thuộc sở hữu nhà nước là Kimia Farma sẽ hợp tác với G42 để cung cấp 10 triệu liều vaccine COVID-19 vào tháng 12 tới và 50 triệu liều khác trong quý I/2021.
Bộ trưởng Thohir tiết lộ rằng Ủy ban Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia cũng đang tiếp tục ưu tiên phát triển một loại vaccine riêng mang tên “Đỏ và Trắng (màu quốc kỳ Indonesia). Ngoài Sonovac và G42, chính phủ Indonesia cũng đang tìm kiếm khả năng hợp tác với các nhà sản xuất vaccine khác như AstraZeneca của châu Âu thông qua Quỹ Bill and Melinda Gates của Mỹ.
Trước đó, phát biểu sau chuyến công du Trung Quốc và UAE hồi tuần trước cùng Bộ trưởng Thohir và một số công ty dược phẩm trong nước, Ngoại trưởng Retno Marsudi tuyên bố hai quốc gia này đã cam kết cung cấp 290-340 triệu liều vaccine COVID-19 cho Indonesia từ nay đến cuối năm 2021.