Mục tiêu của EU về tiêm chủng sớm hiện cao gấp đôi mục tiêu mà WHO đề ra vốn chỉ mua vaccine ban đầu cho 20% người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới thông qua một chương trình mua vaccine toàn cầu. Theo kế hoạch được các chuyên gia y tế của các nước thành viên EU cũng như Anh, Thụy Sĩ, Na Uy và các quốc gia khu vực Balkan nhất trí cuối tháng 7 vừa qua, tỷ lệ dân số cần tiêm vaccine ban đầu (nếu là loại vaccine 1 mũi tiêm) ít nhất sẽ là 40%, tùy thuộc vào tình hình và vấn đề nhân khẩu học tại các nước.
Kế hoạch trên phân loại 200 triệu người trong tổng số 450 triệu dân của EU thuộc các nhóm ưu tiên được tiêm vaccine trước, trong đó có những người mắc các bệnh mãn tính, người cao tuổi và nhân viên y tế. Những người khỏe mạnh làm việc trong các dịch vụ công quan trọng như giáo dục và giao thông công cộng cũng được đưa vào nhóm ưu tiên dù ước tính số lượng người thuộc nhóm này không có trong kế hoạch tiêm chủng ban đầu của EU. Việc đưa những người làm việc trong các dịch vụ công quan trọng trên vào nhóm ưu tiên đã nâng mục tiêu số người được tiêm vaccine trước tiên tại EU lên hơn 40%.
Mục tiêu của EU là đạt được khả năng miễn dịch theo nhóm cho người dân và mục tiêu này có thể đạt được bằng các chiến dịch tiêm chủng tiếp theo sau khi 40% dân số được tiêm chủng vaccine phòng bệnh COVID-19. Tuy nhiên, kế hoạch của EU không đưa ra mốc thời gian thực hiện mục tiêu này.
* Giới chức Thái Lan ngày 26/8 cho biết nước này sẽ hoãn quá trình thử nghiệm vaccine phòng bệnh COVID-19 trên người vì khả năng sản xuất tại các cơ sở ở nước ngoài bị hạn chế, song hy vọng sẽ nối lại hoạt động thử nghiệm này vào cuối năm nay.
Quan chức phụ trách chương trình phát triển vaccine của Thái Lan cho biết giới chức y tế nước này đã lên kế hoạch tiến hành thử nghiệm vaccine trên người vào tháng 10 tới, nhưng phải hoãn lại vài tháng vì các nhà máy ở nước ngoài đã hoạt động hết công suất.
Trước đó, Nội các Thái Lan ngày 25/8 đã thông qua khoản ngân sách khoảng 1 tỷ baht (31,7 triệu USD) cho công tác bào chế vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19. Trong đó, 60% sẽ đầu tư cho chương trình phát triển vaccine chung giữa Chính phủ Thái Lan và Đại học Oxford, phần còn lại dành cho chương trình phát triển vaccine trong nước.
Thái Lan hiện ghi nhận 3.403 ca mắc bệnh, trong đó 58 ca tử vong. Trong vòng hơn 3 tháng qua, Thái Lan không ghi nhận ca lây nhiễm trong cộng đồng nào.