Trong một thông cáo báo chí được đăng tải trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Indonesia, Ngoại trưởng Retno cho hay mục tiêu chính của chuyến thăm này là đảm bảo cam kết từ các nguồn cung cấp vaccine COVID-19 khác trong khuôn khổ hợp tác song phương.
Trước đó vào tháng 8/2020, bà Retno và ông Erick đã có các chuyến công du tương tự đến Trung Quốc và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Trong chuyến thăm này, Indonesia đã đạt được thỏa thuận với các đối tác để mua tổng cộng 300 triệu liều vaccine COVID-19 tiềm năng đến cuối năm 2021.
Ngoại trưởng Retno không đề cập tới việc bà và Bộ trưởng SOE sẽ gặp gỡ các nhà sản xuất vaccine nào trong chuyến công du châu Âu tuần này. Tuy nhiên, trước đó Bộ trưởng điều phối Kinh tế Airlangga Hartanto cho biết Chính phủ Indonesia sẽ thanh toán tiền vaccine cho công ty dược phẩm AstraZeneca có trụ sở tại Anh vào cuối tháng này.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo trực tuyến hôm 11/10, quan chức này khẳng định rằng Chính phủ Indonesia - thông qua Bộ Y tế - sẽ mua 100 triệu liều vaccine COVID-19 theo hợp đồng ký kết với AstraZeneca, trong đó thanh toán trước 50%, tương đương với 250 triệu USD, vào cuối tháng này.
Hiện AstraZeneca đang phối hợp cùng Đại học Oxford để phát triển một loại vaccine ngừa COVID-19. Đây là một trong những công ty dẫn đầu trong cuộc đua vaccine toàn cầu và có khả năng sớm công bố kết quả phân tích dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm quy mô lớn trong hai tháng tới.
Trong chuyến công du châu Âu, phái đoàn Indonesia cũng sẽ gặp gỡ Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như đại diện Liên minh vaccine (GAVI) và Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI). Ba tổ chức này đứng đầu Cơ chế COVAX - một trong những sáng kiến đa phương nhằm bảo đảm cung ứng vaccine cho người dân trên toàn thế giới.
Theo Ngoại trưởng Retno, Indonesia là một trong những quốc gia có tên trong danh sách COVAX 92, đồng nghĩa với việc đủ điều kiện được cung ứng vaccine cho 20% dân số, tương đương với 106-107 triệu liều do mỗi người được tiêm hai mũi. Ngoại trưởng Retno cũng cho hay một mục tiêu khác của chuyến thăm lần này là tăng cường hợp tác trung và dài hạn giữa công ty dược phẩm quốc doanh Bio Farma của Indonesia với các đối tác ở nước ngoài trong khuôn khổ đa phương.
Hồi tuần trước, một phái đoàn khác do Bộ trưởng điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan dẫn đầu đã đến Vân Nam (Trung Quốc) để gặp gỡ lãnh đạo hai nhà sản xuất vaccine là Sinovac và Cansino, cũng như Sinopharm - công ty hiện đang hợp tác với hãng công nghệ G42 của UAE. Trong chuyến đi này, Indonesia và Trung Quốc đã hoàn tất thỏa thuận mua một lượng lớn vaccine ngừa dịch COVID-19, hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng trên người, mà hai bên đã thỏa thuận hồi tháng Tám.
Nhà dịch tễ học Dicky Budiman thuộc Đại học Griffith của Australia cho biết, vaccine COVID-19 do Đại học Oxford phát triển là một trong những loại vaccine tiên tiến nhất hiện nay và kết quả cuối cùng dự kiến sẽ được công bố vào cuối năm nay. Trong khi đó, việc sản xuất vaccine của Sinovac dự kiến sẽ có kết quả vào quý I/2021. Đây chính là lý do khiến các nước cần các lựa chọn, không chỉ từ Trung Quốc mà cả từ các loại vắc-xin tiềm năng khác.
Theo Bộ trưởng Y tế Indonesia Terawan Agus Putranto, Chính phủ Indonesia đặt mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 160 triệu người trong các năm tới. Ông Terawan cho biết hiện Bộ Y tế Indonesia vẫn đang chuẩn bị cho chương trình tiêm chủng này, trong đó dành ưu tiên hàng đầu cho những người ở tuyến đầu chống đại dịch COVID-19 gồm các nhân viên y tế và lực lượng an ninh.