COVID-19 tại ASEAN hết 8/10: Cả khối có 8.617 ca mắc mới; Tình hình Indonesia vẫn nghiêm trọng

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 8/10 khu vực ASEAN ghi nhận 8.617 ca mắc COVID-19 và 282 ca tử vong, nâng tổng số người mắc tại ASEAN từ đầu dịch lên trên 752.293 ca, trong đó 18.454 người tử vong. 

Trong ngày 8/10, Indonesia tiếp tục đứng đầu khối ASEAN về số ca mắc hàng ngày. Nước này đã ghi nhận thêm 4.850 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và 108 trường hợp tử vong. 

Chú thích ảnh
Nhân viên phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện tổng số người mắc bệnh và tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 320.564 và 11.580. Indonesia là quốc gia có số người tử vong do mắc COVID-19 cao nhất Đông Nam Á. 

Nhằm giúp Indonesia kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh và giảm thiểu tác động của đại dịch, ngày 7/10, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) về việc hỗ trợ quốc gia Đông Nam Á này. 

KOICA sẽ cung cấp 200.000 USD cho Phái đoàn ICRC tại Indonesia và Timor-Leste nhằm giúp cơ quan này mở rộng chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho 67 nhà tù và trại tạm giam tại 6 tỉnh và thành phố của Indonesia với tổng cộng hơn 57.600 tù nhân.

Ông Alexandre Faite, Trưởng Phái đoàn ICRC tại Indonesia và Timor-Leste đánh giá cao khoản tài trợ đầu tiên mà ICRC nhận được trên toàn thế giới, đồng thời nhấn mạnh sự hỗ trợ này sẽ cho phép ICRC thúc đẩy nỗ lực tiếp cận các cơ sở giam giữ để phân phối hàng cứu trợ và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan quản lý.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước đó, Phái đoàn ICRC tại Jakarta đã phân phát các đồ dùng vệ sinh cho 73 nhà tù thuộc 7 tỉnh và thành phố gồm Jakarta, Banten, Tây Java, Lampung, Đông Java, Bali và Nam Sulawesi, cũng như một số trường nội trú Hồi giáo để phòng, chống sự lây lan của đại dịch.

ICRC đang hợp tác chặt chẽ với giới chức các nước nhằm giảm thiểu sự lây lan của đại dịch COVID-19 tại các cơ sở giam giữ tại hơn 50 quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Indonesia.

Tháng 4 vừa qua, Indonesia đã phóng thích hơn 5.500 tù nhân nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh tại các cơ sở giam giữ vốn quá đông đúc. Thống kê của Tổng cục Trại giam Indonesia Hồi tháng 9 cho thấy tổng cộng 234.728 phạm nhân đang được giam giữ tại 525 nhà tù trên khắp cả nước, trong đó có 389 cơ sở bị quá tải.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Đứng thứ hai ASEAN về số ca mắc mới trong ngày 8/10 là Philippines. Bộ Y tế Philippines cho biết nước này đã ghi nhận thêm 2.363 ca mắc mới và 144 trường hợp tử vong. Đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm và tử vong cao nhất tại Philippines trong hơn 3 tuần qua. 

Tính đến nay, đã có 331.869 người nhiễm bệnh tại Philippines, trong đó có 6.069 trường hợp tử vong. Philippines hiện là nước có số ca nhiễm cao nhất khu vực Đông Nam Á. 

Đứng thứ ba là Myanmar với 1.012 ca mắc và 25 ca tử vong mới ghi nhận trong ngày 8/10. Tổng số ca mắc ở Myanmar từ đầu dịch là 22.445 ca, trong đó 535 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 26/9. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Bộ Y tế Myanmar, 6.366 bệnh nhân đã xuất viện. Nước này đã thực hiện 367.539 xét nghiệm COVID-19. Myanmar ghi nhận hai ca dương tính với COVID-19 đầu tiên từ ngày 23/3.

Tại Malaysia, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng dần trong những ngày gần đây. Nước này có thêm 357 ca mắc trong ngày 8/10, trong đó 5 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Học sinh đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại một trường học ở Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Khoảng 72% ca mắc mới ngày 8/10 là ở Sabah (271 ca). Trong số các ca mới, 303 ca lây nhiễm cộng đồng. 

Tại Campuchia, thông báo của Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cho biết chính phủ nước này sẽ không tăng lương cho công chức và lực lượng vũ trang trong năm tới do ảnh hưởng của COVID-19.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Hun Sen nói rằng Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Campuchia Aun Pornmoniroth đã đề xuất kế hoạch tăng lương, nhưng vì nền kinh tế còn chưa ổn định nên Chính phủ hoãn tăng lương trong năm 2021. Tuy nhiên, công chức vẫn được nhận tiền thưởng nhân dịp lễ đón Năm Mới của người Khmer và lễ Pchum Ben năm tới. Trong khi đó, Chính phủ Campuchia sẽ điều chỉnh lương tháng cho cựu chiến binh và người hưởng lương hưu để có thể chăm lo tốt hơn cho những đối tượng này.

Liên quan tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế Campuchia sáng 8/10 ra thông cáo xác nhận thêm một trường hợp nhập cảnh mắc COVID-19. Trường hợp này là một nam giới người Indonesia, 26 tuổi, từ Indonesia qua Singapore vào Campuchia ngày 6/10 vừa qua trên chuyến bay có tổng cộng 113 hành khách.

Như vậy tính đến hết ngày 8/10, Campuchia ghi nhận có tổng cộng 281 ca mắc COVID-19, trong đó 276 người đã hồi phục, không có người tử vong và không có dấu hiệu lây nhiễm cộng đồng.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Đức cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 lây lan không thể kiểm soát
Đức cảnh báo nguy cơ dịch COVID-19 lây lan không thể kiểm soát

Giới chức Đức đã cảnh báo về nguy cơ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan không thể kiểm soát vào mùa Thu và mùa Đông trong bối cảnh số ca nhiễm mới theo ngày gia tăng một cách đáng lo ngại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN