Theo phóng viên TTXVN tại Đông Nam Á, phát biểu tại phiên thứ nhất Hội nghị các nhà Lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 tại Bangkok, Thái Lan, Tổng thống Joko Widodo nêu rõ các lĩnh vực hợp tác bao gồm lương thực, năng lượng và môi trường, cũng như ngăn chặn nguy cơ suy thoái.
Nhà lãnh đạo Indonesia nhấn mạnh: “Trong ngắn hạn, hợp tác là vô cùng cần thiết để giải quyết tình trạng lạm phát và đảm bảo an ninh lương thực”, đồng thời kêu gọi thực hiện Lộ trình An ninh lương thực APEC tới năm 2030.
Theo ông Joko Widodo, thực hiện lộ trình này nhằm tăng cường an ninh lương thực thông qua các công nghệ đổi mới sáng tạo và số hóa, tăng năng suất và hiệu quả của hệ thống lương thực, cũng như các chính sách bao trùm và bền vững. Ngoài ra, APEC cũng cần chú ý đến việc cung ứng phân bón và thức ăn chăn nuôi nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng lương thực có thể ảnh hưởng đến hơn 3 tỷ người trên thế giới.
Về lâu dài, ông Joko Widodo khuyến nghị APEC tăng cường quan hệ đối tác kinh tế kỹ thuật số và kinh tế xanh, khẳng định rằng kinh tế kỹ thuật số và chuyển đổi kỹ thuật số rất quan trọng đối với sự phục hồi kinh tế bao trùm.
Về việc áp dụng và thực hành nền kinh tế xanh, Tổng thống Joko Widodo khẳng định điều này rất quan trọng trong nỗ lực phục hồi nền kinh tế khu vực, đồng thời cho rằng kinh tế xanh là tương lai kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương, khu vực đã ghi nhận hơn 90 tỷ đầu tư cho các dự án xanh.