Indonesia đưa ra các ưu tiên kinh tế nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực mạnh mẽ hơn

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ông Kao Kim Hourn, đã đánh giá cao Indonesia - nước Chủ tịch ASEAN 2023, vì đã đưa ra các ưu tiên kinh tế (PED) hướng tới sự phát triển bền vững và thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực mạnh mẽ hơn.

Chú thích ảnh
Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Kao Kim Hourn. Ảnh tư liệu: Đào Trang/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị hẹp của các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 29 (AEM Retreat 29) tại Magelang, tỉnh Trung Java, ông Kao Kim Hourn cho rằng nếu các hạng mục ưu tiên kinh tế được triển khai đầy đủ, điều này có thể góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy hội nhập kinh tế ASEAN và phục hồi trong khu vực sau đại dịch COVID-19 .

Tại AEM Retreat 29, các PED đã được thống nhất và phân loại theo ba mũi nhọn chiến lược là các lực đẩy chiến lược, nền kinh tế kỹ thuật số và tính bền vững. Các lực đẩy chiến lược bao gồm Phục hồi và Tái thiết, trong đó tái thiết tăng trưởng khu vực thông qua thị trường kết nối và năng lực cạnh tranh mới. Trong khi đó, nền kinh tế kỹ thuật số gồm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi và tham gia nền kinh tế kỹ thuật số toàn diện. Tính bền vững bao gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vì sự phát triển bền vững.                                                                                      

Trong khuôn khổ cuộc họp, các đại biểu cũng thảo luận những bước đi chiến lược nhằm phát triển tiềm năng thương mại và đầu tư nội khối ASEAN, để khu vực có thể tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.                                             

Tổng thư ký Kao Kim Hourn nhấn mạnh, ASEAN đang theo đuổi việc thực hiện một số sáng kiến quan trọng để cải thiện hội nhập kinh tế. Thứ nhất, tăng cường Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) để đảm bảo hiệp định này luôn phù hợp, cập nhật, hướng tới tương lai và phản ứng nhanh hơn đối với sự phát triển của khu vực và toàn cầu. Thứ hai là phát triển Khung kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) làm nền tảng để ASEAN trở thành một bên tham gia nền kinh tế kỹ thuật số hàng đầu. Hơn nữa, các sáng kiến khác đang thực hiện Khung kinh tế tuần hoàn ASEAN cho Cộng đồng kinh tế ASEAN và xây dựng Chiến lược trung hòa carbon ASEAN để giúp các nước ASEAN hiện thực hóa một nền kinh tế có khả năng phục hồi và sử dụng tài nguyên hiệu quả.                                     

Ông Kao Kim Hourn cho biết thêm các nước thành viên ASEAN cũng đang theo đuổi việc thực hiện các Sáng kiến dựa trên Dự án Công nghiệp ASEAN để xây dựng một chuỗi cung ứng linh hoạt nhằm tối ưu hóa tiềm năng của tài nguyên khoáng sản và công nghệ trong khu vực.                                       

Tại AEM Retreat 29, các đại biểu còn thảo luận về các bước chiến lược để tăng cường số hóa và tính bền vững trong khu vực cũng như các trụ cột hội nhập kinh tế của ASEAN. Ông Kao Kim Hourn khẳng định các bộ trưởng tham dự hội nghị cũng đã đồng ý thực hiện tư duy chuyển đổi phát triển khu vực cho phép ASEAN xây dựng một tương lai mạnh mẽ, toàn diện và bền vững.

Văn Phong (TTXVN)
Indonesia công bố 3 trọng tâm chính của Hội nghị cấp cao ASEAN 2023
Indonesia công bố 3 trọng tâm chính của Hội nghị cấp cao ASEAN 2023

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi vừa công bố 3 trọng tâm chính của các Hội nghị Cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm nay với chủ đề “ASEAN quan trọng: Tâm điểm tăng trưởng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN