Indonesia đặt mục tiêu sớm hoàn tất chương trình tiêm chủng

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết Chính phủ nước này đặt mục tiêu kể từ tháng 9 tới sẽ tiêm 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mỗi tháng, nhằm hoàn tất chương trình tiêm chủng quốc gia vào tháng 1/2022.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 12/8/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu họp báo trực tuyến ngày 25/8, Bộ trưởng Budi nêu rõ: “Chúng tôi đã có kế hoạch hoàn tất chương trình tiêm chủng trong vòng một năm. Ban đầu, Tổng thống yêu cầu hoàn tất trong 15 tháng, song sau đó đã rút ngắn xuống còn 12 tháng”.

Sau khi phát động chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 toàn quốc vào ngày 13/1 năm nay, Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu tiêm 426 triệu liều vaccine vào tháng 1/2022. Tính đến ngày 8/8, nước này đã tiêm được khoảng 50 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho người dân. Bộ Y tế Indonesia đang nỗ lực để đạt mục tiêu tiêm thêm 50 triệu liều vào ngày 31/8 tới. 

Trong diễn biến liên quan, quyền Phó giám đốc phụ trách sáng tạo của Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia (BRIN), ông Erry Ricardo Nurzal, công bố BRIN đặt mục tiêu cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine Merah Putih do nước này tự nghiên cứu và phát triển vào tháng 3/2022.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến về tiến độ nghiên cứu vaccine ngừa COVID-19 nội địa do Hiệp hội các nhà báo khoa học Indonesia (SISJ) tổ chức, ông Erry cho biết Đại học Airlangga (Unair) và Viện Sinh học phân tử Eijkman là hai cơ sở hàng đầu trong việc phát triển các ứng cử viên vaccine Merah Putih. Hiện vaccine của Unair đã được đưa vào thử nghiệm tiền lâm sàng.

Theo ông Erry, mục tiêu đặt ra là cấp phép sử dụng khẩn cấp cho ứng viên vaccine của Unair vào tháng 3/2022, ứng viên vaccine của Eijkman sẽ vào tháng 9/2022. Bên cạnh Unair và Eijkman, 5 tổ chức khác cũng đang tham gia phát triển các ứng viên vaccine Merah Putih gồm Viện Khoa học Indonesia (LIPI), Viện Công nghệ Bandung (ITB), Đại học Indonesia (UI), Đại học Gadjah Mada (UGM), và Padjadjaran Đại học (Unpad).

Ông Erry nhấn mạnh việc nghiên cứu và phát triển vaccine Merah Putih là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước, đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và được kỳ vọng trở thành “biểu tượng cho nền độc lập của quốc gia”.

*Tại Ấn Độ, tờ Hindustand Times cho biết tính đến tối 24/8, tổng cộng  594.765.751 liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên cả nước.

Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, ở nhóm tuổi 18-45, có tổng cộng 223.359.860 người đã được tiêm mũi đầu tiên trong khi 21.137.082 người đã được tiêm mũi thứ hai. Trong số các nhân viên y tế, có 10.354.204 người đã được tiêm mũi đầu tiên và 8.249.276 người được tiêm mũi thứ hai. Đối với các nhân viên tuyến đầu, 18.309.215 người đã tiêm mũi đầu tiên và 12.705.601 người đã tiêm mũi thứ hai.

Hiện nay, ứng cử viên vaccine mRNA ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Gennova Biopharmaceuticals của Ấn Độ điều chế và phát triển đã được đánh giá là an toàn trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Công ty này đã được cơ quan quản lý dược phẩm quốc gia cấp phép thử nghiệm giai đoạn 2.

Hữu Chiến-Tiến Hiến (TTXVN)
COVID-19 tại ASEAN hết 24/8: Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh; Thái Lan học cách 'sống chung'
COVID-19 tại ASEAN hết 24/8: Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh; Thái Lan học cách 'sống chung'

Trong ngày 24/8, các nước ASEAN ghi nhận trên 81.000 ca nhiễm mới và 2.141 ca tử vong. Thái Lan thay đổi chiến lược sang 'sống chung với dịch" trong khi Indonesia vượt 4 triệu ca bệnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN