Phát biểu với báo giới tại trụ sở IMF ở thủ đô Washington (Mỹ), bà Kristalina Georgieva cho biết: “Sau khi xem xét các dữ liệu trong quá khứ, IMF kết luận rằng nếu nới lỏng lãi suất sớm thì nguy cơ sẽ cao hơn”. Tuy nhiên, bà Georgieva cũng cảnh báo “không nên thắt chặt nếu không cần thiết”. Bà kêu gọi các ngân hàng "cần hành động dựa trên dữ liệu thực tế".
Theo bà Georgieva, kinh tế Mỹ sắp đạt được trạng thái “hạ cánh mềm” khi các nhà hoạch định chính sách đưa lạm phát trở lại mục tiêu mà không gây ra suy thoái kinh tế.
Lời cảnh báo trên được đưa ra một ngày sau khi Cục Dự trữ liên bang (Fed - ngân hàng trung ương Mỹ) quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản trong cuộc họp chính sách lần thứ 4 liên tiếp. Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell cho biết hầu hết các thành viên Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC) - cơ quan hoạch định chính sách của Fed - đều ủng hộ cắt giảm lãi suất trong năm 2024, song ít khả năng quyết định sẽ được đưa ra ngay trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 3 tới.
Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cùng các ngân hàng khác đã giữ lãi suất ở mức cao trong những tháng gần đây nhằm nỗ lực đưa lạm phát trở lại mục tiêu. Trong bối cảnh lạm phát đang giảm ở nhiều nền kinh tế phát triển và mới nổi trên thế giới, giờ đây sự chú ý đã chuyển sang thời điểm nên bắt đầu cắt giảm lãi suất để kích thích đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Đầu tuần này, Chủ tịch ECB, bà Christine Lagarde cho biết các nhà hoạch định chính sách tin tưởng rằng việc cắt giảm lãi suất sắp diễn ra song chưa cam kết thời gian cụ thể.