Bà Georgieva cho biết IMF có thể điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020, song không đưa ra các chi tiết. Trước đó, IMF dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ tăng trưởng âm 3% trong năm nay. Điều này có thể cũng dẫn đến những thay đổi trong dự báo của IMF rằng kinh tế thế giới sẽ phục hồi một phần và đạt mức tăng trưởng 5,8% trong năm 2021. Bà Georgieva nói thêm các số liệu trên khắp thế giới xấu hơn dự kiến, có nghĩa kinh tế toàn cầu sẽ mất nhiều thời gian hơn để có thể phục hồi hoàn toàn sau cuộc khủng hoảng COVID-19. IMF sẽ công bố các dự báo mới về kinh tế toàn cầu vào tháng Sáu.
Theo bà Georgieva, IMF chú trọng đến những rủi ro như các mức nợ cao, thâm hụt ngân sách gia tăng, tình trạng thất nghiệp, phá sản, bất bình đẳng và đói nghèo gia tăng trong giai đoạn phục hồi của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, bà cho rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng đang thúc đẩy nền kinh tế số, mang đến cơ hội để gia tăng tính minh bạch và thậm chí giúp các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận thị trường.
Về những căng thẳng trong những tuần gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, bà Georgieva cho hay bà đang hối thúc các nước thành viên tiếp tục đối thoại cởi mở và duy trì các dòng chảy thương mại vốn đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ. Người đứng đầu IMF cảnh báo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ do cuộc khủng hoảng COVID-19. Theo bà, không nên quay lưng lại với những gì mang lại lợi ích cho mọi người, khi giúp giá hàng hóa và dịch vụ giảm, trong khi thu nhập tăng, còn tình trạng đói nghèo được đẩy lùi.
Hồi tháng Tư, IMF dự báo việc các doanh nghiệp phải đóng cửa và lệnh phong tỏa nhằm hạn chế tốc độ lây lan của dịch bệnh sẽ khiến thế giới rơi vào một cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930. Tuy nhiên, phát biểu hồi đầu tháng này, bà Georgieva nói các số liệu được công bố sau đó cho thấy tình hình còn xấu hơn.
Trong khi đó, hai báo cáo được công bố ngày 18/5 cho thấy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi khó khăn sau giai đoạn phong tỏa, hạn chế đi lại và đóng cửa doanh nghiệp do đại dịch.
Trong một diễn biến liên quan, IHS Market vừa báo cáo cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ giảm 5,5% trong năm nay, gấp ba lần mức thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và sau đó sẽ lấy lại được động lực. Công ty nghiên cứu tài chính này dự báo kinh tế Mỹ sẽ giảm 7,3% trong năm nay, trong khi kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro giảm 8,6%.
Trong khi đó, báo cáo của Deutsche Bank Wealth Management cảnh báo sự phục hồi trong nửa cuối năm 2020 sẽ không đủ mạnh để bù lại những thiệt hại trong nửa đầu năm, ít nhất là ở các nền kinh tế phát triển như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Theo báo cáo này, đến năm 2022, GDP của các nền kinh tế phát triển mới trở lại mức trước cuộc khủng hoảng hiện nay.