Tổ chức có trụ sở tại Washington dự kiến nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 3% trong năm 2020. Đây là mức giảm nặng nề khi hồi tháng 1, chính IMF còn dự báo GDP toàn cầu tăng 3,3% năm nay.
Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath cho biết: "Rất có thể nền kinh tế toàn cầu sẽ phải trải qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái vào những năm 1930 và thậm chí còn tồi tệ hơn cả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây hơn một thập kỷ".
Tháng 1 vừa qua, IMF ước tính tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 3,4% vào năm 2021, và hiện con số này đã được điều chỉnh lên tới 5,8%. Dự báo phục hồi một phần sẽ diễn ra trong năm 2021, nhưng mức tăng trưởng GDP vẫn sẽ dưới thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.
Theo báo cáo trên, IMF dự báo Khu vực đồng euro (Eurozone) sẽ suy giảm tới 7,5% trong năm nay và châu Âu là khu vực được dự đoán có hoạt động kinh tế giảm sút lớn nhất so với các khu vực khác trên thế giới.
Tuy nhiên, trong một đánh giá lạc quan hơn, IMF cho rằng sự hủy diệt kinh tế do đại dịch gây ra tại Eurozone sẽ giảm dần trong nửa cuối năm 2020, khi các biện pháp chăn chặn dịch bệnh dần được gỡ bỏ. Các nước thành viên Eurzone khi đó sẽ phục hồi, nhưng ở tốc độ chậm hơn. IMF sự báo kinh tế Eurozone sẽ đạt tăng trưởng 4,7% trong năm 2021.
* Cùng ngày, Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (OBR), cơ quan giảm sát tài chính công của Anh công bố số liệu cho biết kinh tế Anh có thể giảm 13% trong năm 2020 nếu lệnh phong tỏa chống dịch bệnh COVID-19 kéo dài 3 tháng.
Theo kịch bản công bố ngày 14/4 của OBR: "Mức giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm này sẽ cao hơn so với bất kể tỷ lệ giảm nào trong cuộc khủng hoảng tài chính kéo dài từ năm 2008". Với kịch bản đó, GDP thực tế còn có thể giảm tới 35% trong quý II năm nay, tuy nhiên sẽ tăng nhanh chóng trở lại khi các lệnh phong tỏa được nới lỏng hoặc gỡ bỏ.
OBR cho biết tỷ lệ thất nghiệp cũng có thể tăng hơn 2 triệu người, lên mức 10% trong quý II với sự phục hồi thị trường việc làm sẽ kéo dài hơn so với GDP.
Trước đó, ngày 12/4, Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak đã đưa ra nhận định GDP của Anh có thể giảm tới 30% trong quý II do dịch bệnh COVID-19. Ông Sunak đã đưa ý kiến trên trong bối cảnh 10 nhà lãnh đạo bộ, ngành của Anh đang hối thúc nước này nới lỏng lệnh phong tỏa vào tháng 5.
* Trong khi đó, tại Italy, Tổng liên đoàn thương mại Italy (Confcommercio) ngày 14/4 công bố số liệu cho biết nhu cầu tiêu dùng của người dân nước này giảm 31,7% trong tháng 3, và ước tính GDP sẽ giảm 13% trong tháng 4 do tác động của dịch bệnh COVID-19. Tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh COVID-19 có thể khiến GDP của Italy giảm 13% trong tháng 4.
Confcommercio cho rằng Italy đang ghi nhận sự suy giảm âm 2 con số chưa từng có trong lịch sử phân tích thống kê, và sức suy giảm cũng ghi nhận trong các ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng, ô tô và thời trang. Trong đó, ngành du lịch giảm 95% du khách nước ngoài kể từ cuối tháng 3; lượng xe ô tô đăng ký mới giảm 82%; sức tiêu thụ mặt hàng quần áo, giày dép giảm 100%; và dịch vụ quán bar, nhà hàng giảm 68%. Ngoài ra, chỉ số niềm tin và hoạt động cũng giảm mạnh trong tháng 3 năm nay.