Khoản giải ngân mới này, được đưa ra vào cuối chuyến thăm thứ 4 của một phái đoàn IMF tại CHDC Congo, nâng tổng số khoản tài trợ đã được phân bổ cho quốc gia châu Phi này lên hơn 1 tỷ USD. Theo IMF, CHDC Congo đã đạt được tất cả các mục tiêu theo kế hoạch đã cam kết, ngoại trừ việc cải thiện công bố các hợp đồng liên quan đến khai thác khoáng sản đúng hạn. Tuy nhiên, nước này cần phải tiếp tục cải cách, đặc biệt là trong vấn đề tăng cường "sự độc lập và đảm bảo của ngân hàng trung ương" để củng cố chính sách tiền tệ. Ngoài ra, các cải cách nhằm đảm bảo pháp quyền và hệ thống tư pháp, giảm tham nhũng, cải thiện tính minh bạch trong lĩnh vực khai thác mỏ và liên quan đến tài chính công là rất quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh và cho phép đa dạng hóa nền kinh tế của quốc gia trên.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, CHDC Congo đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế 8,9% trong năm 2022, bất chấp sự leo thang xung đột vũ trang ở phía Đông và cuộc bầu cử sắp diễn ra ở nước này vào cuối năm 2023, với mức lạm phát gần 13% vào cuối năm 2022. Mục tiêu đặt ra của chương trình trên là thu hút các nhà đầu tư tư nhân và tài chính mới, trong khi chương trình trước đó đã bị gián đoạn đột ngột vào cuối năm 2012 do sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực khai thác mỏ ở CHDC Congo .
Đáng chú ý là vào cuối năm 2021, sau khi công bố kế hoạch mới, CHDC Congo đã nhận được 500 triệu euro từ Cơ quan Phát triển Pháp (AFD).
CHDC Congo là nhà sản xuất coban hàng đầu thế giới và là nhà sản xuất đồng hàng đầu châu Phi.