Ban điều hành IMF cũng xác nhận đã ký phê duyệt khoản tín dụng trên, mở đường cho việc giải ngân và kích hoạt một chương trình kéo dài 4 năm nhằm củng cố nền kinh tế của Sri Lanka. Theo IMF, dự kiến khoảng 333 triệu USD sẽ được giải ngân ngay lập tức. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng nước này cần tiếp tục theo đuổi cải cách thuế và mở rộng mạng lưới an sinh xã hội cho người nghèo, cũng như đẩy mạnh chống tham nhũng - vốn là một trong những nguyên nhân gây khủng hoảng.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã gửi lời cảm ơn IMF và các đối tác quốc tế vì sự hỗ trợ trên. Ông nhấn mạnh quốc gia Nam Á này đang nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng trong dài hạn thông qua quản lý tài chính thận trọng và chương trình cải cách đầy tham vọng.
Sri Lanka đang trải qua cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ khi giành lại độc lập năm 1948 với tình trạng thiếu hụt ngoại tệ trầm trọng, lạm phát phi mã và nền kinh tế rơi vào suy thoái. Do vỡ nợ quốc tế, đảo quốc với 22 triệu dân này cũng đang phải chịu mức thuế cao cho hàng hóa xuất nhập khẩu, cùng nạn khan hiếm lương thực, thuốc men, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, cũng như tình trạng cắt điện mỗi ngày. Nền kinh tế Sri Lanka đã suy giảm tới - 7,8% vào năm ngoái.
Ngày 20/3, Văn phòng Tổng thống Sri Lanka cũng cho biết Tổng thống Wickremesinghe đang tìm kiếm một lệnh giãn nợ kéo dài 10 năm đối với các khoản nợ nước ngoài của nước này vì Sri Lanka đã cạn kiệt dự trữ ngoại tệ. Tuy nhiên, các quan chức tham gia đàm phán cho rằng các điều khoản tái cơ cấu nợ cần phải được tất cả các bên nhất trí trước tháng 6 tới, thời điểm IMF dự kiến sẽ xem xét lại chương trình cứu trợ.