Lý do Pakistan và Ai Cập rất khó đi theo 'vết xe' khủng hoảng kinh tế kiểu Sri Lanka

Dù phải hứng chịu cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng với các khoản vay không thể kiểm soát, các nhà phân tích cho rằng Ai Cập và Pakistan rất khó có khả năng rơi vào “vết xe đổ” của Sri Lanka.

Chú thích ảnh
Quầy đổi tiền ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP

Trước khi lên đại học hồi năm 2020, Ajalan Ali nhớ rằng anh đã phải xếp hàng tới 1 giờ tại khu chợ ở Rawalpindi, gần thủ đô Islamabad của Pakistan, để nhận bữa sáng thịnh soạn - gồm bánh mì puri chiên phồng, đậu gà hầm, cà ri khoai tây ướp hoa hồi với một ly sữa bơ ngọt ngào.

Nhưng trái tim của Ali như "vỡ vụn" lại khi quay lại khu chợ này cùng với bố anh vào cuối tháng trước. Khu chợ vắng tanh và không còn người bán mithai - loại kẹo làm từ bơ sữa - nổi tiếng ở chợ.

“Khu chợ này là nơi tôi lớn lên. Giờ đây, khu chợ vắng tanh như đang chết dần. Tôi đã cảm thấy thật buồn”, sinh viên 22 tuổi của Đại học Sabanci tại Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ.

Pakistan đang rơi vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt nghiêm trọng. Chi phí của các nguyên liệu như bơ ghee, dầu ăn, sữa, đường và trứng - tất cả được sử dụng để làm món kẹo mithai - đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua. Cùng với đó, giá khí đốt và giá điện cũng tăng vọt.

Lạm phát ở Pakistan đã đạt mức cao nhất trong vòng 48 năm trở lại đây, ở mức 27,5% trong tháng 1, làm giảm nhu cầu của khách hàng trong bối cảnh dự trữ ngoại hối giảm và đồng rupee mất giá.

Chú thích ảnh
Một khu chợ ở Rawalpindi. Giá của nhiều nguyên liệu thiết yếu đã tăng gấp đôi ở Pakistan trong 3 năm qua. Ảnh: AFP

Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở Ai Cập, nơi lạm phát đang ở mức 21,9% trong tháng 12/2022. Theo cô Shahira Amin, thành viên cấp cao  của Hội đồng Đại Tây Dương tại Cairo – tổ chức tư vấn thuộc Sáng kiến An ninh Trung Đông Scowcroft, nhiều người trẻ tuổi ở nước nàyđang “phải tạm gác lại ước mơ vì việc kết hôn, mua nhà hay xe giờ đã vượt quá tầm với”.

Giống như Pakistan, Ai Cập là nước nhận nhiều khoản vay và đầu tư từ Trung Quốc. Đồng thời, nước này cũng đang trong quá trình cải cách khó khăn để nhận được gói cứu trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng bất chấp những điểm tương đồng bên ngoài với Sri Lanka – quốc đảo Ấn Độ Dương 22 triệu dân đã vỡ nợ quốc tế hồi tháng 4 năm ngoái – Ai Cập và Pakistan, hai quốc gia có tổng dân số hơn 330 triệu người, “quá lớn để có thể sụp đổ”. Lý do là hai quốc gia này có các đối tác kinh tế và chính trị chung rất đáng tin cậy - gồm các quốc gia Arab vùng Vịnh giàu dầu mỏ, IMF, G7 và Trung Quốc.

Tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai quốc gia - Pakistan là 80% và Ai Cập là 86% - cũng dễ quản lý hơn so với mức 122% mà Sri Lanka đã phải vượt qua khi vỡ nợ vào năm ngoái.

Ông Najam Ali, nhà kinh tế và Giám đốc điều hành của Công ty dịch vụ tài chính Next Capital có trụ sở tại Karachi, cho biết cả hai quốc gia vẫn đang “đấu tranh với vị thế cán cân thanh toán và điều đó đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng”.

“Không có quốc gia nào có nguy cơ bị vỡ nợ nước ngoài trong thời gian ngắn hạn. Tuy nhiên, vấn đề quản lý kinh tế thận trọng cùng với việc ra quyết định quan trọng là rất cần thiết để ngăn chặn những rủi ro như vậy trong trung và dài hạn”, ông Ali nói.

Những khoản vay khó hiểu

Theo các nhà phân tích, việc thiếu trách nhiệm giải trình trong nước, kết hợp với các ưu tiên địa chính trị, từ lâu đã cho phép cả Ai Cập và Pakistan vay nặng lãi từ Trung Quốc, IMF, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Các khoản vay này nhằm mục đích tài trợ cho ngân sách quốc phòng lớn không tương xứng và các chương trình phát triển gây tranh cãi nhằm thúc đẩy vị thế của những người nắm quyền.

Pakistan là nước nhận tài trợ chính từ Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, với khoảng 25 tỷ USD được chi cho cơ sở hạ tầng từ năm 2015 đến 2018 để chấm dứt tình trạng thiếu điện trầm trọng.

Nhưng vào năm 2019, Islamabad đã đồng ý chương trình tài trợ từ IMF - chương trình thứ 13 kể từ những năm 1980 - sau cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán do cơ sở xuất khẩu thu hẹp và thiếu dòng vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Chú thích ảnh
Đường phố ở Cairo, Ai Cập. Ảnh: AFP

Tại Ai Cập, chính quyền cũng đã đầu tư tiền vay vào các dự án khổng lồ - như thủ đô hành chính mới trị giá 50 tỷ USD đang được xây dựng gần Cairo do các công ty Trung Quốc hỗ trợ.

“Các khoản vay này đã được chứng minh là phản tác dụng, khiến những người Ai Cập kém may mắn nhất càng dễ bị tổn thương hơn. Họ cũng đã phức tạp hóa các vấn đề kinh tế xã hội. Điều này chủ yếu là do giới tinh hoa đã sử dụng quỹ này một cách phung phí. Chúng đã được sử dụng để tài trợ cho các dự án lớn lãng phí với những lợi ích kinh tế đáng ngờ cho người Ai Cập”, nhà phân tích Amin có trụ sở tại Cairo bình luận.

Tham nhũng, chi tiêu không bền vững và thiếu cải cách cơ cấu cuối cùng khiến tình trạng tài chính của cả hai quốc gia đạt điểm “đứt gãy” vào năm ngoái, sau khi cuộc xung đột ở Ukraine khiến giá lương thực và năng lượng tăng vọt. Đồng thời, nguồn ngân sách của họ cũng không thể tài trợ cho việc nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm, hay trả các khoản nợ quốc tế khổng lồ. Pakistan và Ai Cập đều chi khoảng 1/3 ngân sách quốc gia để trả nợ - tỷ lệ tương đương số dân sống trong cảnh nghèo đói ở những nước này.

Chính sách ‘thắt lưng buộc bụng’ không bền vững

Chú thích ảnh
Công nhân nghỉ ngơi bên khu thương mại trung tâm đang xây dựng bởi Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Nhà nước Trung Quốc, tại thủ đô hành chính mới của Ai Cập, phía đông Cairo. Ảnh: Reuters

Tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu hiện đã trở nên phổ biến ở cả hai quốc gia này, do tình trạng gián đoạn kinh tế khiến hàng triệu người mất việc làm.

Đồng rupee của Pakistan và bảng Ai Cập cũng đã giảm giá trị trong năm qua. Trong đó, giá trị đồng tiền của Ai Cập đã giảm 45% sau hàng loạt đợt phá giá lớn do ngân hàng trung ương đề xuất, theo một phần của thỏa thuận cho vay 3 tỷ USD của IMF. Đồng rupee Pakistan cũng đã giảm gần 10% so với đồng USD vào tháng trước, một ngày sau khi mức trần tỷ giá hối đoái được dỡ bỏ theo yêu cầu của IMF.

Nhà kinh tế Ali có trụ sở tại Karachi cho biết Chính phủ Pakistan cũng đã tiến hành thắt chặt các chính sách tiền tệ một cách thận trọng.

Ngân hàng trung ương Pakistan đã tăng lãi suất cho vay cơ bản lên 10% kể từ tháng 9/2022, trong khi lãi suất của Ai Cập tăng 5% kể từ tháng 10 và dự kiến sẽ tăng thêm trong nỗ lực kiềm chế lạm phát.

Các nhà phân tích cho rằng các chủ nợ quốc tế của cả hai quốc gia này đều không tin tưởng chính phủ sẽ thực hiện  những cam kết về cải cách cơ cấu liên tục bị phá vỡ .

Chẳng hạn, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã tuyên bố bất kỳ khoản hỗ trợ tài chính nào sau này cho Ai Cập và Pakistan đều sẽ phụ thuộc vào việc nhận lại cổ phần chiến lược trong một trong những doanh nghiệp nhà nước lớn nhất của họ.

Tuy nhiên, nhà kinh tế Ali nhận định cả hai chính phủ này đều “có khả năng đưa nền kinh tế đất nước vượt qua các cuộc khủng hoảng hiện tại” nếu họ áp đặt chính sách “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế chi tiêu không cần thiết và tiếp tục nhận được hỗ trợ từ IMF và các nước thân thiện.

Song ông cảnh báo rằng “những hoạt động này không bền vững vì có thể gây bất ổn xã hội, chính trị với lạm phát gia tăng khiến sức mua giảm mạnh, đặc biệt là đối với bộ phận dân cư có thu nhập trung bình”. 

Ngoài ra, những khó khăn kinh tế nghiêm trọng cũng có thể thúc đẩy chủ nghĩa bảo thủ, kèm theo thiếu hụt  kinh tế. Nhà phân tích Amin cảnh báo khi đó “tuyệt vọng chính mảnh đất màu mỡ cho việc tuyển dụng các tay súng thánh chiến.”

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Sri Lanka tuyên bố đáp ứng điều kiện để nhận gói hỗ trợ 2,9 tỷ USD từ IMF
Sri Lanka tuyên bố đáp ứng điều kiện để nhận gói hỗ trợ 2,9 tỷ USD từ IMF

Ngày 4/2, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe tuyên bố nước này đang đáp ứng các điều kiện tiên quyết để nhận gói hỗ trợ tài chính trị giá 2,9 tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong nỗ lực đưa nền kinh tế trở lại đúng hướng sau khi chính thức rơi vào tình trạng vỡ nợ vào tháng 5/2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN