Theo kịch bản cơ bản, định chế này dự báo rằng tính đến thời điểm đó, “châu Âu sẽ dần từ bỏ tất cả các loại nhiên liệu hóa thạch còn lại của Nga”. Trong đánh giá của mình, IMF dựa vào các báo cáo hàng tháng từ cơ quan thống kê của Liên minh châu Âu (EU). Theo cơ quan này, từ năm 2021, Đức đã chuyển đổi nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga sang Na Uy. Nếu trước đây 65% khí đốt của Đức đến từ Nga, thì nay tỷ trọng nhiên liệu này từ Na Uy đã tăng từ 19% lên 60%.
IMF cho biết cuộc xung đột ở Ukraine sẽ có tác động đến an ninh năng lượng của châu Âu trong trung hạn. Đồng thời, dự kiến châu Âu sẽ mua thêm năng lượng từ Mỹ. Các tác giả của báo cáo hy vọng các biện pháp trừng phạt đối với dầu và than của Nga sẽ "đa dạng hóa việc nhập khẩu năng lượng của châu Âu từ các nhà cung cấp ngoài châu Âu".
IMF cũng cho rằng nguồn năng lượng ở châu Âu có thể liên tục đắt đỏ do xung đột ở Ukraine. Theo định chế này, tình hình tiếp tục xấu đi trong khu vực có thể làm suy yếu thêm an ninh năng lượng, do tỷ trọng chi phí năng lượng trong GDP tăng lên trong bối cảnh giá cả tăng cao. Do đó, hoạt động kinh tế của châu Âu sẽ càng nhạy cảm hơn trước các vấn đề về nguồn cung năng lượng.