Liệu châu Âu có nối lại dòng chảy năng lượng từ Nga hay không?

“Cây cầu năng lượng” giữa Nga và EU vốn được xây dựng trong nhiều thập kỷ và đã đứng vững trong những giai đoạn gập ghềnh nhất của Chiến tranh Lạnh. Nhưng mọi thứ đã thay đổi kể từ tháng 2 năm nay.

Chú thích ảnh
Đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 tại Lubmin, Đức, ngày 8/3/2022. Ảnh: Reuters/TTXVN

Tại cuộc họp chuyên ngành do Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford tổ chức tuần trước, các giám đốc điều hành, nhà hoạch định chính sách và chuyên gia tư vấn đã được đặt câu hỏi về việc liệu Liên minh châu Âu (EU) có một lần nữa chọn Nga là nhà cung cấp khí đốt chính của mình hay không.

Cuộc thăm dò trên cho thấy ý kiến của họ được chia thành hai nửa: 40% có và 40% không, phần còn lại chưa thể quyết định.

Tờ Bloomberg đã chỉ ra một vài yếu tố cho thấy khả năng dòng chảy năng lượng được khơi thông trở lại vẫn là lựa chọn tốt đẹp hơn cả. Dù các nhà lãnh đạo châu Âu cam kết sẽ không quay trở lại hoạt động kinh doanh tại Nga sau cuộc chiến ở Ukraine, nhưng thực tế khó phủ nhận về sức mạnh địa lý và thị trường của Moskva có thể lấn át ngay cả những nhà hoạch định chính sách kiên quyết nhất.

Việc điều đó có thành hiện thực hay không không chỉ quan trọng đối với thị trường năng lượng châu Âu và những “gã khổng lồ” công nghiệp ở đây, mà còn mang tính sống còn đối với tương lai của các khoản đầu tư khí đốt ở các quốc gia khác, từ Qatar đến Mozambique và Mỹ. Hàng tỷ USD trong các cơ sở xuất khẩu khí đốt đang bị đe dọa.

Đầu tiên, về lịch sử, trước khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2, Moskva đã cung cấp cho châu Âu khoảng 40% lượng khí đốt mà lục địa này tiêu thụ. “Cây cầu năng lượng” giữa Nga và EU, vốn được xây dựng trong nhiều thập kỷ, đã đứng vững trong những giai đoạn gập ghềnh nhất của Chiến tranh Lạnh, sự sụp đổ của Liên Xô cũng như quá trình tự do hóa thị trường năng lượng châu Âu. 

Thế nhưng, mọi thứ đã thay đổi kể từ tháng 2 năm nay. Sau khi hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt, Tổng thống Putin đã cắt giảm xuất khẩu sang châu Âu, với hy vọng phá vỡ được sự thống nhất ủng hộ Ukraine của khối này. Khu vực này vẫn còn mua nhiều khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, nhưng xuất khẩu khí đốt qua đường ống đã sụt giảm. Tỷ lệ khí đốt của Nga trong hỗn hợp châu Âu sẽ giảm xuống dưới 10% vào năm 2023. Trong khi EU đã cấm nhập khẩu dầu từ Nga, thì họ lại không làm điều tương tự với khí đốt của Nga.

Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã lập mô hình một kịch bản cho thấy dòng khí đốt của Nga vào châu Âu giảm xuống mức nhỏ giọt vào năm 2025 và bằng 0 vào năm 2028, do nhập khẩu LNG nhiều hơn và sản xuất nhiều hơn tại các trang trại năng lượng mặt trời và gió. 

Cơ quan này đánh giá sự rạn nứt thương mại khí đốt giữa Nga và châu Âu sẽ là vĩnh viễn. Tại các thủ đô châu Âu, giới chức địa phương kiên quyết khẳng định họ đã rút ra được bài học của mình. Bộ trưởng Năng lượng Áo Leonore Gewessler cho biết: “Chúng ta sẽ chỉ thực sự tự do khi hoàn toàn không sử dụng khí đốt của Nga”.

Chú thích ảnh
Tàu chở khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) neo gần nhà máy LNG trên đảo Sakhalin, ngoại ô thị trấn Korsakov thuộc Liên bang Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, ông Michael Kretschmer, nhà lãnh đạo bang Sachsen của Đức và là một chính trị gia bảo thủ nổi tiếng, lại tuyên bố rằng việc vĩnh viễn mất đi nguồn khí đốt của Nga sẽ là sự thiếu hiểu biết về mặt lịch sử và sai lầm về mặt địa chính trị. Đối với nhiều chính trị gia Đức, giá cả rất quan trọng. Berlin đang trả 180 USD cho mỗi megawatt giờ để nhập khẩu khí đốt, cao hơn khoảng 7 lần so với mức trung bình từ năm 2010 đến năm 2020. Để hỗ trợ người tiêu dùng và các doanh nghiệp trong nước, Đức đang chi hàng tỷ USD tiền trợ cấp.

Trong lịch sử của ngành dầu khí, một số vụ nối lại giao thương tưởng chừng bất khả thi lại đã xảy ra. Điển hình là ví dụ của Iraq. Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn đối với dầu mỏ của Iraq bốn ngày sau khi nước này xâm lược Kuwait vào tháng 8/1990.

Ngay cả sau khi Mỹ đánh bại nhà lãnh đạo Saddam Hussein một năm sau đó, Washington vẫn nhất quyết giữ lệnh cấm vận để tước bỏ khả năng tiến hành một cuộc chiến tranh khác của ông này. Năm 1996, Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận, thay thế nó bằng một hệ thống được gọi là đổi dầu lấy lương thực, cho phép Saddam sử dụng tiền thu được từ việc bán dầu thô cho các nhu cầu nhân đạo. Đến năm 2001, Mỹ đã nhập khẩu lượng dầu thô của Iraq nhiều như đầu năm 1990 – trong khi Saddam vẫn nắm quyền ở Baghdad. 

Liệu đều tương tự có xảy ra đối với khí đốt của Nga? Hoàn toàn có thể. Châu Âu có lẽ không bao giờ quay trở lại các hợp đồng dài hạn như trước đây với Nga, cũng như sẽ nhập khẩu ít khí đốt hơn khi ngành năng lượng tái tạo phát triển mạnh. Nhưng nếu EU muốn duy trì tính cạnh tranh của các ngành công nghiệp hóa chất, thực phẩm và công nghiệp nặng, thì nó vẫn cần đến dòng khí đốt giá rẻ. Và không có nước nào ở châu Âu bán khí đốt rẻ hơn Nga.

Theo cách nào đó, Kiev có thể sẽ thuyết phục châu Âu mua khí đốt của Nga thông qua các đường ống chạy dọc Ukraine từ Đông sang Tây. Điều khoản về việc Nga phải đóng góp vào chi phí tái thiết Ukraine có thể là một phần trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Nguồn tiền đó sẽ lên tới hàng chục tỷ USD, nếu không muốn nói là nhiều hơn. 

Vậy làm thế nào Điện Kremlin đền bù chi phí tái thiết cho Ukraine? Cũng giống như cách mà Saddam Hussein và các nhà lãnh đạo kế nhiệm của Iraq đã làm. Họ đã trả 52,4 tỷ USD tiền bồi thường thiệt hại cho Kuwait bằng cách bán các loại nhiên liệu hóa thạch.

Mới đây, ngày 5/12, EU, Australia và Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) bắt đầu áp giá trần đối với dầu thô Nga nhập khẩu bằng đường biển ở mức 60 USD/thùng để trừng phạt Moskva sau khi tiến hành chiến dịch ở Ukraine. Tuy nhiên, những tính toán giữa hai bờ Đại Tây Dương và cách mà Nga ứng xử với biện pháp trừng phạt mới này có thể khiến vấn đề đi lệch đường ray. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Phương Tây áp giá trần dầu Nga; Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng COVID-19
Thế giới tuần qua: Phương Tây áp giá trần dầu Nga; Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng COVID-19

Phương Tây áp giá trần dầu thô Nga vận chuyển qua đường biển và Trung Quốc nới lỏng biện pháp phòng dịch COVID-19 là hai sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN