Theo IFRC, các nước vẫn thiếu nghiêm trọng các hệ thống ứng phó mạnh mẽ dù đã trải qua 3 năm chịu tác động "tàn khốc" của đại dịch COVID-19. IFRC nhấn mạnh việc xây dựng lòng tin, sự công bằng và các mạng lưới hành động cấp địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong sẵn sàng ứng phó với cuộc khủng hoảng tiếp theo.
IFRC nêu rõ: “Tất cả các quốc gia vẫn chưa có sự chuẩn bị cho các đợt bùng phát trong tương lai", từ đó đi đến kết luận rằng tinh thần sẵn sàng ứng phó của chính phủ các nước hiện không cao hơn so với mức của năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19.
IFRC nhấn mạnh các nước cần phải có sự chuẩn bị ứng phó với với nhiều chứ không phải một mối nguy hiểm. Các xã hội chỉ trở nên thực sự kiên cường thông qua việc lập kế hoạch cho các loại thảm họa khác nhau, vì các thảm họa có thể xảy ra đồng thời trong bối cảnh các thảm họa liên quan đến khí hậu và các đợt bùng phát dịch bệnh gia tăng trong thế kỷ này, trong đó có đại dịch COVID-19. IRFC cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất ngày càng tăng và mức độ khốc liệt hơn trong khi khả năng ứng phó của các nước còn ở mức hạn chế.
IFRC cũng đề ra các khuyến nghị về giảm thiểu những thảm họa trong tương lai có quy mô giống như đại dịch COVID-19. Tổng thư ký IFRC Jagan Chapagain nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh cho cộng đồng toàn cầu để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo. Đại dịch tiếp theo có thể sắp xảy ra; nếu trải nghiệm về dịch bệnh COVID-19 không đẩy nhanh các bước chuẩn bị của chúng ta".
IFRC cho biết đại dịch COVID-9 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, với điều kiện vệ sinh kém, tình trạng quá đông đúc, thiếu khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội, và suy dinh dưỡng tạo điều kiện cho các loại bệnh tật phát triển. Do vậy, IFRC khuyến nghị các nước cần phải giải quyết tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe và kinh tế xã hội trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tiếp theo; phát triển các sản phẩm ứng phó với đại dịch với giá rẻ hơn, dễ bảo quản và quản lý hơn; cần tăng kinh phí cho y tế lên 1% tổng GDP và tài chính y tế toàn cầu lên ít nhất 15 tỷ USD/năm đến năm 2025.