Theo báo cáo của Ifo, tăng trưởng kinh tế Đức đã sụt giảm 1,9% trong ba tháng đầu năm 2020 và dự kiến sẽ tiếp tục giảm 12,2% trong quý II/2020. Ifo đồng thời cho rằng tới cuối năm 2021, kinh tế Đức mới trở lại mức trước khi rơi vào cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier ngày 28/4 cho biết cần phải xây dựng một quỹ cứu trợ đối với ngành ẩm thực của nước này, nếu các lệnh giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19 kéo dài hơn dự kiến.
Chính phủ Đức đã đưa ra một loạt các biện pháp, bao gồm gói kích thích trị giá 750 tỷ euro (tương đương 811.43 tỷ USD), để giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng, đồng thời đang đàm phán với Lufthansa về gói cứu trợ cho hãng hàng không này. Chính phủ cũng công bố các khoản vay và kế hoạch làm việc ngắn hạn dành cho ngành ẩm thực, đồng thời giảm thuế doanh thu tính trên các bữa ăn xuống 7% trong một năm.
Trong một phát biểu trên kênh truyền hình ZDF, ông Altmaier cho biết: "Nếu không như mong đợi của chúng ta, tình hình này còn kéo dài cho đến khi có thể mở cửa trở lại hoàn toàn, chúng tôi sẽ phải xem xét lại việc hỗ trợ, sau đó chúng ta sẽ cần một điều gì đó giống như một quỹ cứu trợ cho lĩnh vực ẩm thực".
Trong bối cảnh Chính phủ Đức bắt đầu từng bước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, số trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng nhẹ trở lại.
Theo báo cáo về công tác kiểm soát dịch bệnh do Viện Robert Koch (RKI) công bố ngày 28/4, hệ số lây nhiễm tại Đức hiện là 1 - tăng từ mức 0,9, có nghĩa 1 người bệnh lây nhiễm tương đương cho 1 người khác. Hiện trên cả nước có 156.337 trường hợp được xác nhận nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 5.913 ca tử vong. Giới chức y tế Đức và các chuyên gia về virus đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát hệ số lây nhiễm dưới mức 1.0. Hiện người dân Đức vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng và khi đi mua sắm.