Trong hai năm qua, các thanh sát viên IAEA đã phát hiện những dấu vết urani đã qua xử lý tại 3 địa điểm mà Iran chưa công bố, cho thấy có thể Tehran sử dụng vật liệu hạt nhân trong các hoạt động trước đây nhưng chưa được báo cáo. IAEA cần truy tìm nguồn gốc để bảo đảm Iran không tìm cách chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhằm phá vỡ bế tắc, IAEA dự kiến đàm phán với Iran từ đầu tháng này, với mục tiêu đạt được tiến triển vào đầu tháng 6 tới. Các cuộc thảo luận này được tiến hành song song với các cuộc đàm phán tại Vienna (Áo) nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Một nguồn tin ngoại giao châu Âu cho hay thời gian đàm phán đã bị lùi lại vài tuần thay vì đầu tháng 4 như kế hoạch. Phái đoàn IAEA sẽ do Trưởng đoàn thanh sát viên Massimo Aparo đứng đầu. Người phát ngôn của IAEA xác nhận thời điểm đàm phán đã được ấn định trong tháng 4, trong khi các quan chức Iran vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Trước đó, ngày 7/4, truyền hình nhà nước Iran dẫn lời người phát ngôn Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) Behrouz Kamalvandi cho biết trong chưa đầy 4 tháng, Iran đã sản xuất được 55 kg urani làm giàu ở cấp độ 20% và trong vòng 8 tháng, nước này có thể sản xuất được 120 kg urani làm giàu ở cùng cấp độ trên. Thông báo trên được đưa ra một ngày sau khi Iran và Mỹ tiến hành các cuộc đàm phán gián tiếp tại Vienna (Áo) mà cả hai đều cho là "mang tính xây dựng" nhằm tìm ra cách thức để trở lại việc tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, được Iran và các cường quốc ký vào năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
Iran tuyên bố việc tăng cường làm giàu urani cùng với những biện pháp khác nhằm giảm một số cam kết theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 là phản ứng đáp trả động thái của Mỹ rút khỏi thỏa thuận và những nước châu Âu tham gia thỏa thuận (gồm Anh, Pháp, Đức và Nga) đã không bảo vệ được những lợi ích của Tehran trước các lệnh trừng phạt của Washington.
Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền điều hành đất nước vào ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ tham gia trở lại JCPOA với điều kiện tiên quyết là Tehran tôn trọng các cam kết đã đưa ra. Điều này đồng nghĩa với việc loại bỏ khoảng 1.600 lệnh trừng phạt từng được Washington tái triển khai sau khi cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định mà ông cho là không hiệu quả, đồng thời gây sức ép buộc Iran đàm phán lại thỏa thuận thông qua áp lực kinh tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong thông báo mới nhất, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố chuẩn bị dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran nhằm nối lại việc tuân thủ đối với thỏa thuận hạt nhân, bao gồm các lệnh trừng phạt không phù hợp đối với thỏa thuận được ký năm 2015 này. Tuy nhiên, bộ trên không cung cấp thông tin chi tiết về các bước chuẩn bị của Mỹ.