'Hybrid working' - Giải pháp mới thu hút người lao động

Đại dịch COVID-19 đã tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong thế giới việc làm. Điều này được phản ánh rõ trong làn sóng nghỉ việc ồ ạt năm 2021 khi hàng triệu lao động Mỹ đồng loạt bỏ việc.

Chú thích ảnh
Người dân tham dự hội chợ việc làm tại San Mateo, bang California (Mỹ). Ảnh tư liệu: AP/TTXVN

Người lao động trên toàn thế giới tuyên bố không đi làm nếu giới chủ không điều chỉnh chính sách linh hoạt hơn. Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey ước tính có tới 25% lao động tại các nền kinh tế tiên tiến sẽ làm việc cố định tại các doanh nghiệp, công ty có hình thức làm việc "hybrid working".

Hybrid working là mô hình làm việc kết hợp, trong đó nhân viên có một số thời gian làm việc ở văn phòng và một số thời gian làm việc tại nhà qua hình thức online. Trong bối cảnh ngày càng nhiều người sắp xếp thời gian làm việc hợp lý thay vì phải tuân theo khung giờ làm việc truyền thống, các cuộc tranh luận về thời gian làm việc 4 ngày một tuần đang nổ ra mạnh mẽ chưa từng thấy. Người lao động thừa nhận rằng công việc gắn với thời gian của họ là một hình thức hàng hóa có giá trị, do đó họ muốn có tiếng nói lớn hơn về khoảng thời gian và địa điểm mà họ "bán" mặt hàng này. 

McKinsey dự báo hơn 50% việc làm tại Mỹ trong năm 2030 sẽ là các công việc tự do và hơn 66% chủ sử dụng lao động hiện coi một số hình thức hybrid working là "tiêu chuẩn mới". Rất nhiều công ty tuyên bố "làm việc từ xa hoàn toàn" và điều này tạo cho họ lợi thế tuyển dụng nhân sự lớn hơn so với những công ty tìm kiếm nhân viên làm việc trực tiếp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh hình thức làm việc này.

Một số chủ doanh nghiệp theo đường lối cứng rắn luôn bảo vệ quan điểm làm việc trực tiếp tại văn phòng là tốt nhất. Họ quan ngại ở một mức độ nào đó, nhân viên sẽ có tâm lý lười nhác khi làm việc từ nhà. Chẳng hạn, Chủ tịch kiêm CEO Ngân hàng Morgan Stanley đã gửi tới các nhân viên thông báo nội bộ rằng: "Nếu bạn muốn nhận được mức lương như ở New York, hãy tới New York làm việc". Tương tự, nhà báo kỳ cựu William Cohan đưa ra lời khuyên rằng: "Hãy quay trở lại văn phòng làm việc". 

Ở chiều ngược lại, ông Kevin Ellis, Chủ tịch công ty tư vấn tài chính PwC có trụ sở ở London (Anh) - quản lý 285.000 nhân viên tại 155 quốc gia trên toàn thế giới, cho rằng ban lãnh đạo công ty mong muốn duy trì các mô hình làm việc mới kể cả sau đại dịch COVID-19. Mặc dù vậy, ông cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ người lao động trở nên trì trệ khi làm việc từ nhà.    

Ông Chris Thurling, Chủ tịch công ty thiết kế kỹ thuật số Armadillo - đơn vị làm việc từ xa hoàn toàn trong giai đoạn đại dịch - cho rằng cần nhìn nhận cởi mở về việc liệu có cần thiết phải theo đuổi hình thức làm việc truyền thống trực tiếp một lần nữa. Dẫn chứng cho quan điểm này, ông nêu rõ công ty của mình đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng kể từ tháng 3/2020 đến nay. Mô hình làm việc từ xa mà Armadillo áp dụng không hề khiến năng suất chất lượng công việc sụt giảm.    

Tất cả những nhận định trên cho thấy tâm tư của một bộ phận doanh nghiệp lớn trong bối cảnh họ không thể tuyển dụng đông đảo người lao động như trước thời điểm bùng phát đại dịch COVID-19. Trong khi đó, mô hình hybrid working phản ánh thực tế rằng yếu tố tự do, linh hoạt cùng xu hướng chuyển đổi làm việc không giới hạn thời gian, không gian có thể là những giải pháp mới để thu hút tầng lớp lao động chuyên nghiệp và giữ chân nhân tài.

Minh Tâm (TTXVN)
Xu hướng làm việc từ xa mở ra cơ hội cho người khuyết tật Mỹ
Xu hướng làm việc từ xa mở ra cơ hội cho người khuyết tật Mỹ

Nhiều công ty đang dần thay đổi quan điểm về hình thức làm việc từ xa hoặc mô hình kết hợp cả làm việc trực tuyến và trực tiếp trong đại dịch COVID-19 sẽ mở ra cơ hội mới cho những người khuyết tật tham gia vào lực lượng lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN