Sự cố xuất hiện trong quá trình sản xuất của hãng Boeing đến nay vẫn chưa ảnh hưởng đáng kể đến các hãng hàng không do hoạt động vận tải hành khách vẫn còn khá ảm đạm vì dịch COVID-19. Tuy nhiên, các hãng hàng không đều hy vọng sự cố sẽ sớm được khắc phục trước mùa Hè này khi nhu cầu đi lại dự kiến sẽ tăng đáng kể.
Trong một thông báo gửi cho các cơ quan hàng không dân dụng trên thế giới, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cho biết các sự cố mới xuất hiện trên dòng máy bay 737 MAX liên quan "vấn đề kết nối điện và hạ cánh". Một người phát ngôn của FAA xác nhận ngày 7/4, Boeing đã thông báo với FAA rằng hãng đã đề nghị các đơn vị vận tải hàng không tạm ngừng khai thác dòng máy bay này trong thời gian hãng đánh giá sự cố. Boeing cũng nêu rõ sự cố trong quá trình sản xuất có thể ảnh hưởng đến hoạt động của bộ điều khiển nguồn dự phòng trên các máy bay. Ngoài ra, người phát ngôn FAA cũng lưu ý thêm rằng các phân tích và thử nghiệm sau đó cho thấy sự cố có thể liên quan đến các hệ thống khác.
Ngày 9/4, Boeing cũng đã xác nhận gửi thông tin cho 16 hãng hàng không đang khai thác dòng máy bay 737 MAX của hãng về sự cố nêu trên. FAA cho biết sự cố ảnh hưởng đến 3 bộ phận trong các mẫu máy bay được chế tạo sau khi Boeing thực hiện sự thay đổi về thiết kế vào đầu năm 2019, kéo theo 106 máy bay trên toàn thế giới phải ngừng hoạt động, trong đó 71 chiếc được được đăng ký tại Mỹ.
Sự cố này tiếp tục gây thêm thách thức với Boeing khi dòng 737 MAX chỉ vừa mới được cấp phép hoạt động trở lại vào tháng 11/2020. Trước đó, dòng 737 MAX bị cấm bay trên toàn cầu trong 20 tháng sau khi xảy ra hai vụ tai nạn hàng không thảm khốc của hãng Lion Air năm 2018 tại Indonesia và của Ethiopian Airlines năm 2019 đều liên quan mẫu máy bay này, khiến 346 người thiệt mạng.