Ngày 19/2, Hy Lạp đã chính thức đề nghị Liên minh châu Âu (EU) gia hạn thêm 6 tháng chương trình cho vay cứu trợ dự kiến sẽ hết hiệu lực vào ngày 28/2 tới. Động thái này của Athen nhằm kéo dài thời gian đàm phán với các chủ nợ về thỏa thuận cho vay mới và tránh nguy cơ vỡ nợ cận kề.Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup), ông Jeroen Dijsselbloem xác nhận đã nhận được đề nghị trên của Hy Lạp và cho biết Eurogroup sẽ triệu tập phiên họp đặc biệt vào ngày 20/2 tại Brussels (Bỉ) để thảo luận về đề xuất của Athens.
Giới phân tích nhận định nếu Hy Lạp và các chủ nợ châu Âu không đạt được thỏa thuận trước khi chương trình cho vay cứu trợ hết hiệu lực ngày 28/2 tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ đối mặt với sức ép gia tăng từ chính phủ các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) buộc ECB cắt các khoản tài chính cung cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp. Điều này sẽ gây căng thẳng nghiêm trọng đối với hệ thống tài chính của Hy Lạp, có thể khiến chính phủ nước này buộc phải phát hành đồng tiền riêng và Hy Lạp phải rời khỏi Eurozone.
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis phát biểu trong buổi họp báo sau cuộc họp tại Brussels ngày 16/2
|
Tại cuộc họp ở Frankfurk ngày 18/2, Hội đồng điều hành ECB đã quyết định tăng lượng thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp từ 65 tỷ euro lên 68,3 tỷ euro (77,5 tỷ USD). Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc ECB chỉ tăng thanh khoản thêm 3,3 tỷ euro là nhằm gây áp lực để Athens đạt thỏa thuận với các chủ nợ và ngăn chặn nguy cơ thất thoát tiền gửi, có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính.
Hiện Chính phủ Hy Lạp cần ít nhất 11,9 tỷ euro (13,5 tỷ USD) để thanh toán khoản nợ trái phiếu cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế và ECB dự kiến đáo hạn vào tháng 8 tới. Tại cuộc họp Eurogroup hôm 16/2 ở Brussels, Athens đã không chấp nhận một dự thảo do Eurogroup đề xuất về một thỏa thuận nợ mới, theo đó Hy Lạp phải tiếp tục thực hiện các biện pháp khắc khổ áp đặt từ 5 năm nay nhằm đổi lấy gói hỗ trợ quốc tế.
TTXVN/ Tin tức