Ngày 16/2, phát biểu tại một cuộc họp báo, Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho biết bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã không thể đạt được thỏa thuận cuối cùng với Chính phủ Hy Lạp về chương trình cứu trợ. Ông Dijsselbloem cũng nêu rõ Hy Lạp còn 1 tuần để chính thức đề nghị gia hạn đối với chương trình cứu trợ. Cuộc họp của Eurogroup đã kết thúc sớm hơn 1 giờ so với dự kiến sau khi giới chức Hy Lạp bác bỏ một thông cáo dự thảo do Eurogroup soạn thảo nhằm nhất trí về một thỏa thuận nợ mới khi mà thời hạn chót cho khoản nợ của Athens vào cuối tháng này đang đến gần.
Tuần hành ủng hộ chính phủ tại thủ đô Athens. Ảnh: AFP/TTXVN |
Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã từ chối gia hạn theo các điều khoản hiện hành, trong khi Eurogroup nhất trí rằng con đường tốt nhất cho Hy Lạp là tìm kiếm một sự gia hạn cho các khoản cứu trợ.
Thông tin rò rỉ từ bản dự thảo có đoạn: “Giới chức Hy Lạp bày tỏ ý định muốn đề nghị gia hạn mang tính kỹ thuật 6 tháng đối với chương trình (cứu trợ) hiện nay như một bước trung gian. Điều này sẽ kéo dài thời gian cho Hy Lạp và Eurogroup hợp tác về một thỏa thuận tiếp theo”.
Trong khi đó, chính phủ Hy Lạp đã hoãn việc chỉ định ứng cử viên tổng thống trong khi có những thông tin về tranh cãi nội bộ, ngay trước cuộc thảo luận về chương trình cứu trợ nước này tại Brussels, Bỉ, diễn ra trong ngày 16/2.
Người phát ngôn của chính phủ Hy Lạp Gabriel Sakellaridis cho biết Đảng cầm quyền Syriza sẽ thông báo ứng cử viên của đảng này sau khi kết thúc cuộc họp quan trọng của Eurozone bàn về yêu sách của Hy Lạp đòi xem xét lại chương trình cứu trợ cho nước này.
Ông Sakellaridis cho biết thêm việc công bố ứng cử viên tổng thống sẽ được lùi sang ngày 17/2, trước khi diễn ra cuộc bỏ phiếu đầu tiên tại quốc hội Hy Lạp vào ngày 18/2.
Hồi tháng 12/2014, việc Hy Lạp không bầu được tổng thống đã dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng 1/2015 với kết quả là đảng Syriza lên nắm quyền.
Giới phê bình chính trị nhiều lần cảnh báo rằng đảng Syriza- một liên minh gồm các đảnh cánh tả và cánh tả cấp tiến - có thể bị chia rẽ bởi những bất đồng trong nội bộ, và việc họ có thể nhất trí đưa ra một ứng cử viên chung tranh cử chức tổng thống đang thu hút sự chú ý của mọi giới.
Tại Hy Lạp, tổng thống là một chức vụ chủ yếu mang tính danh dự do quốc hội bầu, song các ứng cử viên tổng thống lại do chính phủ lựa chọn.
TN (Theo THX)